Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh và sàn giao dịch, môi giới bất động sản (BĐS) để yêu cầu lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, các giao dịch tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên về Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS thuộc Bộ Xây dựng; Cục Phòng, chống rửa tiền Ngân hàng Nhà nước nhằm thực hiện Luật phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh BĐS.
Luật sư Trần Thị Ánh |
Yêu cầu của Sở Xây dựng TP được khá nhiều thành phần (công ty BĐS, người mua BĐS…) quan tâm vì đang đánh trực tiếp vào họ. Vậy yêu cầu này có khả thi hay không?
Luật sư Trần Thị Ánh, Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) khẳng định: “Theo tôi, việc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh và sàn giao dịch, môi giới bất động sản (BĐS) lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên là không phù hợp. Bởi lẽ tại điều 3 Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 4/10/2013 của Chính phủ về “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền”, việc lấy mốc giao dịch 300 triệu đồng trở lên trong một ngày chỉ là một trong các biện pháp để các tổ chức tài chính áp dụng nhận biết khách hàng. Trong khi đó tại khoản 3 điều 14 (Báo cáo giao dịch đáng ngờ) Nghị định này quy định: Việc báo cáo giao dịch đáng ngờ không phụ thuộc vào lượng tiền giao dịch của khách hàng, giao dịch đó đã hoàn thành hay chưa hay mới có ý định thực hiện”, luật sư Ánh, nói.
Buộc doanh nghiệp BĐS báo cáo giao dịch tiền mặt từ 300 triệu là không phù hợp. |
Cũng theo luật sư Ánh, tại khoản 1 điều 14, nêu rõ: “Đối tượng báo cáo giao dịch đáng ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền”. Theo đó, cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có bao gồm: Giao dịch được yêu cầu thực hiện bởi bị can, bị cáo hoặc người bị kết án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và tài sản trong giao dịch là tài sản hoặc có nguồn gốc từ tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của cá nhân đó hoặc của cá nhân, tổ chức liên quan tới cá nhân đó, trong hoặc sau thời gian thực hiện hành vi phạm tội; Cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch liên quan đến rửa tiền được rút ra từ việc xem xét và phân tích các dấu hiệu đáng ngờ theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 điều 22 Luật phòng, chống rửa tiền.
“Mặt khác, các sàn giao dịch – môi giới BĐS là nơi diễn ra các giao dịch về mua bán, chuyển nhượng..., là nơi làm trung gian. Thực tế các thủ tục pháp lý đa phần được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng. Vì vậy việc “báo cáo giao dịch đáng ngờ” cần được áp dụng theo quy định của Luật phòng, chống rửa tiền đã được Quốc hội thông qua”, luật sư Ánh, nói.