Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Vương Duy Dũng.
Xin ông cho biết tình hình, kết quả phát triển Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH giai đoạn 2021 - 2030 tại các địa phương đến nay như thế nào?
- Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước có 622 dự án NƠXH đã được triển khai với quy mô 565.177 căn, trong đó: Số lượng dự án hoàn thành: 79 dự án với quy mô 42.414 căn; Số lượng dự án đã khởi công xây dựng: 131 dự án với quy mô 111.687 căn; Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư: 412 dự án với quy mô 411.076 căn. Như vậy, với số lượng căn hộ đã được khởi công, hoàn thành đến nay đạt khoảng 36% mục tiêu của đề án đặt ra đến năm 2025 là 428.000 căn.
Riêng trong quý III/2024, trên địa bàn cả nước có 8 dự án NƠXH đã được triển khai với quy mô khoảng 4.960 căn, trong đó chỉ có 1 dự án hoàn thành 1 phần là Tòa W3 - West Sky tại Khu đô thị Ecogarden, nằm trong Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 2, thuộc Khu đô thị mới An Vân Dương (TP Huế, Thừa Thiên Huế) với quy mô 200 căn;
Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS Vương Duy Dũng.
Số lượng dự án đã khởi công xây dựng 4 dự án với quy mô 2.084 căn; một số dự án làm lễ động thổ như: dự án NƠXH Lê Thành Tân Kiên – TP Hồ Chí Minh với quy mô gần 1.500 căn; dự án nhà ở an sinh xã hội – khu 6 Vietsing –Bình Dương, 1867 căn; dự án NƠXH KT Home – Nghệ An, 523 căn chung cư, 23 căn liền kề. 3 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô 2.676 căn.
Về tình hình triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho NƠXH thời điểm hiện tại như thế nào, thưa ông?
- Về triển khai thực hiện gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay NƠXH, hiện nay ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) thì có thêm 4 Ngân hàng Tiên Phong (TPbank), VPBank, MBBank và Techcombank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng. Qua tổng hợp, đến nay mới có 34/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố 83 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử.
Kết quả giải ngân đến nay có tổng dư nợ là 1.783 tỷ đồng, trong đó: khách hàng DN đủ điều kiện vay, đã có 15 dự án ký hợp đồng tín dụng với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.633 tỷ đồng. 68 dự án còn lại chưa ký hợp đồng tín dụng cho vay theo chương trình 120.000 tỷ đồng, trong đó, 57 dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn và 6 dự án đang được các ngân hàng thương mại thẩm định, 5 dự án không đáp ứng điều kiện cho vay. Đối với người mua nhà, hiện nay nguồn vốn 120.000 tỷ đã giải ngân khoảng 150 tỷ đồng cho người mua nhà tại 12 dự án.
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho NƠXH là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay để thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH.
Mới đây, Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu gói 30.000 tỷ cho NƠXH. Bộ Xây dựng đánh giá, sau khi gói cũ 120.000 tỷ đồng hiện đang ế ẩm nhưng giờ lại có thêm gói mới có khả thi hay không?
- Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. Theo đó, đề án có mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn (trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn).
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, thời gian vừa qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu có các nguồn vốn hỗ trợ, thúc đẩy phát triển NƠXH, cụ thể như nguồn vốn 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ do các ngân hàng Thương mại chủ động cân đối.
Đối với nguồn vốn 120.000 tỷ, mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 2 lần hạ lãi suất. Tuy nhiên, thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân) chưa thực sự thu hút người vay; nguồn vốn này do các ngân hàng thương mại chủ động cân đối, không có ngân sách hỗ trợ (các ngân hàng thương mại phải chịu áp lực về lợi nhuận tối thiểu, phòng tránh rủi ro theo pháp luật về tín dụng).
Nếu so sánh thì nguồn vốn đề xuất 30.000 tỷ đồng (dùng vốn ngân sách) sẽ đáp ứng mục tiêu nhiệm vụ chính trị của Nhà nước trong việc quan tâm, đảm bảo công tác an sinh, xã hội về nhà ở. Đồng thời, với nhu cầu vốn đến năm 2030 được nêu tại Đề án 1 triệu căn NƠXH (khoảng 500.000 tỷ đồng) thì nguồn vốn 120.000 tỷ mới chiếm khoảng 24%.
Do vậy, nhằm đảm bảo tính ổn định, đa dạng nguồn vốn hỗ trợ cho các đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở và đảm bảo mục tiêu của Đề án thì việc nghiên cứu, đề xuất nguồn vốn ưu đãi khoảng 30.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội; trong đó 15.000 tỷ đồng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Chính phủ và 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho vay là cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, việc đề xuất này phải phù hợp với các pháp luật về nhà ở, pháp luật về ngân sách, pháp luật về tín dụng, pháp luật về đầu tư công và pháp luật khác liên quan. Do vậy, Bộ Xây dựng đang tập trung phối hợp với các Bộ ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ đảm bảo đồng bộ, đúng quy định pháp luật.
Xin cảm ơn ông!