Đó là kết luận của Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng tại buổi làm việc cùng Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) ngày 6/6 vừa qua. Theo ông Đinh La Thăng, hiện thành phố cần cải tạo, xây mới 474 chung cư xuống cấp và giải tỏa 5.300 căn nhà ven kênh rạch.
Bí thư Đinh La Thăng khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản tham gia chương trình đột phát chỉnh trang đô thị của thành phố (Ảnh: Công Quang). |
Tuy nhiên có vẻ như các doanh nghiệp bất động sản chưa quan tâm nhiều đến 2 lĩnh vực này. Vì vậy, trong quá trình hoạt động của mình, các doanh nghiệp bất động sản cần gắn chặt với các chương trình đột phá và chỉnh trang đô thị của thành phố.
“Một thành phố có chất lượng sống tốt thì không thể để người dân sống trong sự nguy hiểm, nhà tạm bợ, ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp bất động sản nên tham gia vào chương trình cải tạo chung cư cũ và xóa nhà tạm ven kênh rạch”, ông Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Rút ngắn thời gian định giá và đóng tiền sử dụng đất
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp bất động sản phàn nàn về việc thời gian định giá và thực hiện đóng tiền sử dụng đất kéo dài quá lâu, nhưng đại diện Sở Tài chính, Sở Tài nguyên & Môi trường trả lời thiếu thuyết phục.
Sau khi lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, ông Thăng yêu cầu, thời gian đóng tiền sử dụng đất cần được gói gọn trong 1 tháng.
"Tôi biết anh Nguyễn Toàn Thắng (Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường - NV) phụ trách vấn đề này. Các doanh nghiệp mà kêu kéo dài mấy tháng là không được. Anh tên Toàn Thắng mà để mấy tháng thì... chỉ có thua”, Bí thư Thăng nói.
Doanh nghiệp phàn nàn thủ tục hành chính quá rườm rà, thời gian định giá và thực hiện đóng tiền sử dụng đất kéo dài quá lâu (Ảnh: Công Quang). |
Đồng thời, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh cam kết, tạo môi trường kinh doanh tốt nhất, cố gắng giữ nhịp thị trường bất động sản phát triển ổn định, không trầm lắng và cũng không quá nóng. "TP Hồ Chí Minh sẽ tạo cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp", ông Thăng nhấn mạnh.
Bí thư Thăng chỉ đạo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa hằng quý phải chủ trì các sở ngành liên quan với các doanh nghiệp bất động sản để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời yêu cầu các sở ngành rà soát lại toàn bộ quy hoạch, kiên quyết không thể quy hoạch treo.
"Định hướng của TP Hồ Chí Minh là tầm nhìn dài hạn chứ không phải chỉ 5-10 năm nên bắt buộc các dự án phải công khai, minh bạch. Thành phố sẽ phân cấp triệt để cho các quận huyện trong công tác quản lý thị trường bất động sản", ông Thăng nhấn mạnh.
Vụ Bảy Hiền Tower thể hiện sự yếu kém của chủ đầu tư
Phát biểu trước hội nghị, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng có khiếm khuyết lớn là không hề giúp cho người cực nghèo có nhà ở. Bên cạnh đó, về vấn đề nhà ở xã hội, dù TP Hồ Chí Minh đã "đi trước về sau" so với tỉnh lân cận là Bình Dương.
Chung cư Bảy Hiền bộc lộ sự yếu kém và thiếu chuyên nghiệp của chủ đầu tư (Ảnh: Đình Sơn). |
Theo ông Đực, việc xảy ra tại các chung cư như The Harmona, Bảy Hiền Tower đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín ngành bất động sản. "Nên có sự phối hợp giữa doanh nghiệp, ngân hàng và người dân để xử lý có tình có lý những trường hợp như Bảy Hiền Tower chứ không xử lý cứng nhắc, ép dân bằng cách cắt điện, nước", ông Đực đề xuất.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, câu chuyện của The Harmona cũng như Bảy Hiền Tower đã bộc lộ rõ năng lực quản lý yếu kém và sự không chuyên nghiệp của chủ đầu tư. Và đây là hệ quả của một thời gian “nhà nhà làm đất, người người làm đất” tại TP Hồ Chí Minh. "Hiện Sở Xây dựng đã chủ động tham gia cùng địa phương để xử lý từng trường hợp cụ thể", ông Tuấn cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Hưng Thịnh kiến nghị TP Hồ Chí Minh nên rà soát lại những dự án được cấp phép từ năm 2007-2010 vì đây là giai đoạn “sốt” và hệ quả là xảy ra những trường hợp như Harmona, Bảy Hiền Tower.