Chuyện doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) thiếu vốn nên phải bán “lúa non” hiện nay không hiếm. Khách hàng cũng thừa hiểu điểm yếu của DN BĐS nhưng chấp nhận tham gia “trò chơi” cuốn chiếu dự án, dựa trên tinh thần tự nguyện. Vì giao kết mua bán là sản phẩm BĐS được hình thành trong tương lai, nên quan hệ mua bán cũng lắm chuyện bi hài…
BĐS được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn với DN trong và ngoài nước, vì nguồn cầu của thị trường quá lớn. Cho nên, không chỉ các DN mà người người, nhà nhà đều muốn nhảy vào đầu tư BĐS. Nhưng thị trường địa ốc vẫn tồn tại nhiều điểm yếu cố hữu từ nhiều năm qua. Thứ nhất là vốn chủ sở hữu yếu nên các DN, nhà đầu tư và khách hàng đều phải mượn đòn bẩy tài chính (huy động hoặc đi vay). Thứ hai là giá thành sản phẩm địa ốc liên tục leo thang, tạo ra chênh lệch cung cầu lớn. Thứ ba là khó khăn về thủ tục, pháp lý…
Hình ảnh nhà đầu tư, cư dân căng băng rôn "đấu tố" DN BĐS vi phạm hợp đồng - Nguồn Infonet. |
Những điểm yếu cho thấy thị trường BĐS cứ chông chênh như chiếc bè trước sóng to gió lớn. Chỉ cần rung lắc nhẹ là DN BĐS cũng đã mất ăn mất ngủ, để nghĩ cách vượt qua. Chẳng hạn như chuyện bất đồng “giao kết”, dẫn đến tình trạng khách hàng tụ tập thành nhóm, thậm chí có nơi lên tới vài ba chục người để “hơn thua” với chủ dự án. Nhiều người đã không tiếc thời gian, tổ chức căng băng rôn hò hét, gào thét để tố DN BĐS. Sự đổ vỡ quan hệ mua bán có thể xuất phát từ nhiều cái sai. Nhưng cái đúng thì chỉ có một. Vậy nguyên nhân xuất phát từ DN, khách hàng hay còn những “góc khuất” khác?
Từ một vụ việc tranh chấp BĐS cụ thể, để xác định bản chất đúng sai, ta cần đặt câu chuyện dưới góc nhìn toàn cảnh, thay vì nhìn hiện tượng để phán bản chất. Ta cũng cần xác định động cơ kinh doanh của DN BĐS, khách hàng, nhà quản lý và các đối thủ cạnh tranh…
Một chủ dự án BĐS từng trải lòng rằng, đa số dự án BĐS, nhất là đất nền đều được các chủ đầu tư vừa giao dịch, vừa hoàn thiện cơ sở hạ tầng cũng như giấy tờ pháp lý. Như thế là trái luật. Vì thế, DN BĐS và khách hàng chưa thể ký hợp đồng chuyển nhượng ngay, mà chỉ ký hợp đồng dạng đặt cọc, giữ chỗ, hợp đồng góp vốn hứa chuyển nhượng. Đây cũng là cách để “lách luật” phổ biến trong giao dịch địa ốc.
Việc giao kết giữa DN BĐS và khách hàng (có đủ năng lực hành vi dân sự) đều dựa trên tinh thần tự nguyện. Thế nhưng, DN BĐS vẫn bị “chụp mũ” là kẻ sai trái nếu xảy ra tranh chấp. Câu chuyện khách hàng tụ tập, gây sức ép (để lấy lại tiền đặt cọc), dễ bị bóp méo dù chưa rõ trắng đen. Vì, DN BĐS đã “đổ” tiền huy động của khách hàng vào xây dựng dự án theo kiểu “góp gạo thổi cơm chung” nên khó kịp trở tay trước sự cố.
Thực tế, khách hàng là người hiểu mọi chuyện, vì đã nhận đươc sự tư vấn từ trước. Nhưng có lẽ vì “lóa mắt” trước nhiều chương trình khuyến mãi lớn, nhiều khách hàng sẵn sàng hủy giao kết với DN BĐS này để chạy theo “quà tặng” của DN BĐS khác. Nhưng đó chưa hẳn là lựa chọn tốt của khách hàng, vì nhiều doanh nghiệp đang “chết” tồn kho và khoản phải thu nên dùng “chiêu trò” hút khách mua sản phẩm…
Giới chuyên gia địa ốc thì cho rằng, hiếm có DN nào hoàn thiện đầy đủ 100% cả về pháp lý và cơ sở hạ tầng, rồi mới tiến hành giao dịch, vì khi hội đủ các tiêu chí này thì giá sản phẩm bị đội lên cao hoặc cơ hội đã rơi vào tay đối thủ. Cho nên, các DN BĐS chuyển qua hình thức né, lách sang dạng hợp đồng giữ chỗ, hợp đồng đặt cọc, góp vốn hứa chuyển nhượng.
Đây là hình thức “mua bán” sẽ được kết thúc tại một thời điểm trong tương lai. Vì thế, mọi việc không như giao kết ban đầu, sẽ dẫn đến mâu thuẫn. Có thể do DN BĐS bội tín với khách hàng, không thực hiện các điều khoản đã giao kết từ trước. Có thể do khách hàng “phạm luật” chơi nhưng lại tìm cách gây thiệt hại về vật chất và bôi nhọ uy tín của DN BĐS. Nguyên nhân cũng có thể xuất phát từ việc DN BĐS cạnh tranh thiếu lành mạnh, hòng triệt hạ lẫn nhau.
Nhiều trường hợp khách hàng sẵn sàng tố cáo DN BĐS tới cơ quan cảnh sát điều tra và gửi đơn khởi kiện tới tòa án bất thành. Họ lại “vẽ” hình ảnh tiêu cực về DN BĐS, tung lên mạng xã hội, đồng thời lôi kéo sự tham gia của một số kênh truyền thông phiến diện một chiều. Nhiều thông tin mang tính quy kết DN BĐS lừa đảo, bán dự án ma…
Thị trường BĐS khó phát triển bền vững nếu các nhân tố tham gia chỉ nghĩ lợi ích cho riêng mình. Về phần DN BĐS, họ hiểu việc xem nhẹ quyền lợi khách hàng chẳng khác nào “tự đào hố chôn mình”. Vì thế, DN không còn cách nào khác là phải ứng xử chuyên nghiệp, lấy khách hàng làm trung tâm hành động. DN cũng buộc phải tuân thủ quy định pháp luật. Khách hàng cũng nên tìm hiểu, cân nhắc kỹ trước khi quyết định giao dịch mua bán. Còn các nhà quản lý cần sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật, hướng đến sự đơn giản và minh bạch.
Chuyện giao dịch BĐS hình thành trong tương lai sẽ còn tiếp diễn, vì DN chưa thể lấp đầy các điểm yếu về tài chính, pháp lý trong một sớm một chiều. Nhiều chuyện bi hài, tranh chấp quanh “trò chơi” cuốn chiếu dự án BĐS sẽ còn xảy ra.
Chẳng biết đúng sai thế nào nhưng chắc chắn các doanh nghiệp cùng nhà đầu tư đều chịu thiệt thòi khi “cơm không lành, canh không ngọt” từ các hơp đồng mua bán này.