Dịch chuyển đầu tư
Số liệu thống kê của Hội môi giới BĐS Việt Nam, từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường BĐS tại Thủ đô Hà Nội có sự giảm sút mạnh về nguồn cung mới và tỷ lệ hấp thụ. Cụ thể, trong quý III/2019 Hà Nội chỉ có 2 dự án biệt thự, liền kề mới mở bán, cung cấp cho thị trường khoảng 70 căn, giảm 95% theo quý và 72% theo năm. Thị trường căn hộ chung cư và nhà ở thấp tầng cũng chỉ ghi nhận khoảng trên 7.200 căn. Nguồn cung sơ cấp giảm 5% theo quý.
Xu thế BĐS đang chuyển dịch về các tỉnh lẻ (Ảnh minh họa). |
Theo các chuyên gia, ngoài vấn đề liên quan đến việc kiểm soát chặt việc cấp phép mới các dự án và siết chặt tín dụng cho vay BĐS, thì quỹ đất thu hẹp đã khiến cho các hoạt động của thị trường Hà Nội bị chững lại, giá đất bị đẩy lên cao. Điều này khiến các nhà đầu tư “chùn bước” khi phải bỏ một khoản lớn vào bất động sản thành phố, bởi đầu tư lớn thì rủi ro cũng lớn theo.
Trong khi đó, không ít nhà đầu tư bất động sản lại thu được lợi nhuận từ chính các thị trường tỉnh lẻ, các TP vệ tinh. Đây được coi là điểm sáng của thị trường bất động sản miền Bắc trong giai đoạn cuối năm.
Đơn cử, có thể kể đến là Quảng Ninh đã ghi nhận sự chuyển dịch thành công của nhiều dự án với sự góp mặt của các “ông lớn” như Vingroup, Sun Group, FLC Group. Trong quý III, Quảng Ninh là địa bàn hoạt động tích cực nhất với trên 1.200 sản phẩm được giao dịch.
Theo sát Quảng Ninh, Bắc Giang đã thu hút trên 100 dự án đầu tư mới với tổng vốn quy đổi lên tới hơn 722 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2019, đạt 134% so với cùng kỳ 2018. Thái Nguyên cũng là một điểm sáng đầu tư vùng ven khi ghi nhận 62 dự án của 44 nhà đầu tư với tổng số vốn trên 115.000 tỷ đồng. Trong đó, có 34 dự án thuộc các lĩnh vực hạ tầng đô thị, du lịch nghỉ dưỡng…
Thị trường mới
Theo đánh giá của các chuyên gia ngoài một số tỉnh, như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vinh Phúc, Hưng Yên… ở miền Bắc đã xuất hiện thêm một số địa bàn mới, như: Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai…
Trung tuần tháng 7/2019, Lào Cai đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch năm 2019 và ký kết thỏa thuận hợp tác với 11 đối tác, tổng vốn đầu tư khoảng trên 124 nghìn tỷ đồng. Sự đổ bộ của những dự án lớn đã giúp thị trường bất động sản tỉnh lẻ trở nên sôi động hơn với cơ cấu sản phẩm đa dạng và cơ sở hạ tầng được nâng cấp đồng bộ.
Các chuyên gia dự báo thị trường BĐS những tháng cuối năm sẽ tập trung vào các tỉnh lẻ. |
Nhiều chuyên gia đã đúc kết những “yếu tố vàng” quyết định tới sự thành bại của một dự án bất động sản tại tỉnh lẻ gồm cơ sở hạ tầng, tiềm năng khai thác về du lịch hoặc khả năng hình thành khu đô thị, khu dân cư mới. Các dự án bất động sản tại khu vực tỉnh lẻ không chịu sức ép cạnh tranh quá lớn, đồng thời tính thanh khoản cao cũng là một điểm cộng.
Trong khi thị trường BĐS tại các địa bàn lớn gặp khó khăn do quỹ đất hẹp, giá tăng cao, tại các tỉnh lẻ bắt đầu tăng tốc với sự tham gia của các nhà phát triển BĐS và nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Mặc dù bức tranh trên thị trường có những mảng màu xám - tối khác nhau, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, trong những tháng cuối năm 2019 thị trường nói chung và tại các tỉnh lẻ nói riêng sẽ khởi sắc hơn, bất chấp việc nguồn cung mới sẽ không tăng nhiều so với các quý trước đó.
Lý giải về điều này Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, trong những tháng cuối năm nhiều sản phẩm đã được hình thành từ thời điểm trước sẽ được các chủ đầu tư “bung” ra thị trường, tỷ lệ hấp thụ sẽ ở mức cao hơn và việc tăng giá là điều không thể tránh khỏi.
Cùng quan điểm, chuyên gia Vũ Quang Vinh - Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, những tháng cuối cùng của năm khi nào cũng là thời điểm người dân bắt đầu thu hồi được tài chính từ các hoạt động sản xuất kinh doanh; bên cạnh đó là tâm lý mua nhà mới để đón Tết Nguyên đán, nên các giao dịch sẽ diễn ra nhiều hơn.
“Những tháng cuối năm thị trường sẽ có nhiều tín hiệu tích cực từ các hoạt động giao dịch, nhưng không thể cho rằng đây là thời điểm thị trường đã khởi sắc trở lại, vì thực tế từ đầu năm đến nay số lượng dự án mới được cấp phép đã giảm sút mạnh so với cùng kỳ năm 2018” - ông Vinh nói.