“Cơn lốc” mang tên hạ tầng
Khu Đông TP.HCM gồm các quận Thủ Đức, quận 9, quận 2 đã trở thành tâm điểm thu hút các nhà đầu tư bất động sản nhờ hàng loạt dự án hạ tầng giao thông được đầu tư mới và mở rộng.
Chẳng hạn, diện mạo quận Thủ Đức đã thay đổi nhanh kể từ khi Đại lộ Phạm Văn Đồng đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, việc mở rộng 60 m toàn tuyến Quốc lộ 13, Quốc lộ 1A, một phần xa lộ Hà Nội, tuyến đường sắt Bắc - Nam…, giúp kết nối nhanh chóng khu vực này với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Tây và Tây Nguyên.
Ngoài ra, hiện còn có hàng loạt dự án hạ tầng tầm cỡ đang được Thành phố khẩn trương xúc tiến như tuyến Quốc lộ 13 trên cao, vành đai 2 từ Ngã tư Gò Dưa - Long Thành - Dầu Giây; Metro 3B, di dời Bến xe Miền Đông ra quận 9…, sẽ giúp giảm tải tối đa mật độ giao thông và là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của bất động sản khu vực Thủ Đức.
Hạt nhân của khu Đông là Khu đô thị Thủ Thiêm đang dần hình thành, giao thông ngày càng hoàn thiện. Trong đó, sự kiện được nhiều nhà đầu tư mong chờ là cây cầu trị giá 500 tỷ đồng vừa được khởi công xây dựng, giúp kết nối khu vực Thạnh Mỹ Lợi, khu Cát Lái với Đại lộ Mai Chí Thọ. Tiếp đó, dự án cầu Thủ Thiêm 2 và 4 đang được Thành phố kiến nghị Chính chủ lựa chọn các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Ngoài ra, trong thời gian tới, khu vực này sẽ có 4 cây cầu được xây dựng (cầu số 5, số 9, số 12 và N4) tại dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Song song đó, TP.HCM đã có quyết định chi hơn 10.000 tỷ đồng đầu tư mở rộng đường Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh, Đồng Văn Cống nhằm giảm tải cho đường Mai Chí Thọ.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM vừa duyệt đề xuất dự án Nạo vét hai tuyến rạch Môn - sông Kinh và rạch Bà Đa - rạch Giáng, quận 9 và xây dựng cầu Cây Me trên đường Long Thuận, cầu Đình trên đường Long Thuận nối dài theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 868 tỷ đồng, thời gian thực hiện công trình từ năm 2017 - 2019.
Chưa hết, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Xây dựng chấp thuận cho Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư số 6 thuộc Khu dân cư Công viên giải trí Hiệp Bình Phước (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức).
Thông tin từ UBND TP.HCM cho biết, với tổng diện tích hơn 267.000 m2, khu đất sẽ được xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực. Tổng mức đầu tư dự án lên tới hơn 2.000 tỷ đồng.
Xác lập mặt bằng giá mới
Trước sự bứt phá về cơ sở hạ tầng, quỹ đất dồi dào, giá bất động sản tại khu Đông liên tục tăng và xác lập mặt bằng mới trong thời gian qua. Cụ thể, về phân khúc đất nền, hồi đầu năm 2017, giá nền tại khu Thạnh Mỹ Lợi ở mức 20 - 40 triệu đồng/m2, nay đã lên tới 40 - 70 triệu đồng/m2.
Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Bất động sản, sau khi Thành phố khởi công dự án cây cầu 500 tỷ đồng thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), giá đất ở đây lên như diều gặp gió, có nơi tăng hơn 40% so với 1 năm trước. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn không muốn bán, bởi chờ giá lên nữa trong thời gian tới.
“Vừa qua, có nhiều người đến hỏi mua miếng đất của gia đình tôi, chúng tôi đưa giá bao nhiêu họ cũng đồng ý mà không thương lượng. Tuy nhiên, gia đình tôi vẫn không muốn bán vì nghe nói đất ở khu vực này sẽ còn tăng nữa”, chị Thảo, một người dân có nhà trên đường Đồng Văn Cống cho biết.
Tương tự, một số lô đất nằm tại đầu đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9), vành đai 2 hiện có mức giá 40 - 50 triệu đồng/m2, tăng gần 5 triệu đồng/m2 so với hồi đầu năm. Còn tại quận Thủ Đức, giá nhà đất tăng mạnh chủ yếu dọc mặt tiền xa lộ Hà Nội và Đại lộ Phạm Văn Đồng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, ở khu Đông, giá đất tại quận 2 tăng mạnh nhất nếu tính từ đầu năm 2017 đến nay, bởi khu vực này đã và sắp được hưởng lợi rất lớn từ hàng loạt dự án hạ tầng. Chỉ cần có thông tin mở rộng đường nào đó là ngay lập tức, các dự án nơi đây sẽ xác lập mặt bằng giá mới.