Bất động sản Khánh Hòa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Đây là nhận xét của ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tại diễn đàn "Bất động sản Nam Trung Bộ 2022 - Điểm sáng đầu tư" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức chiều 22/9.
Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Trung Vũ
Theo ông Lê Hữu Hoàng, Khánh Hòa có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, không những ở tầm địa phương mà còn ở tầm Quốc gia. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian vừa qua, Khánh Hòa đã gặp một số về vấn đề pháp lý liên quan đến lĩnh vực đất đai trong quá trình thu hút đầu tư. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến cho sự phát triển của Khánh Hòa chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.
“Để sớm vượt qua những thách thức này, đồng thời xác định rõ tầm nhìn dài hạn, hiệu quả thì bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa còn rất cần chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp của Trung ương, góp phần đưa Khánh Hòa phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ.
Tín hiệu tích cực trong bối cảnh hậu Covid-19
Chia sẻ về triển vọng thị trường bất động sản (BĐS) trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết, hết tháng 6/2022, nguồn vốn tín dụng BĐS tăng 14%; tổng dư nợ tín dụng BĐS khoảng 2,36 triệu tỷ đồng, chiếm 20,74% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong đó, cho vay nhà ở chiếm 67% (1,58 triệu tỷ đồng), còn lại là tín dụng kinh doanh BĐS chiếm khoảng 33% (0,78 triệu tỷ đồng).
TS Cấn Văn Lực chia sẻ tại Diễn đàn. Ảnh: Trung Vũ
Theo ông Cấn Văn Lực, tính hết 8 tháng năm 2022, số doanh nghiệp kinh doanh BĐS thành lập mới là 6.573 doanh nghiệp, tăng 27,3%; vốn đăng ký 331.000 tỷ đồng (+2,6%); ngoài có 1.684 doanh nghiệp hoạt động trở lại (+61,3%).
Đáng chú ý, tổng vốn FDI đăng ký mới và bổ sung vào BĐS đạt 2,17 tỷ USD (chiếm 15,6%, đứng thứ 2); đăng ký góp vốn và mua cổ phần đạt 1,16 tỷ USD (chiếm 40%). Tổng vốn FDI vào BĐS 8 tháng đầu năm 2022 là 3,33 tỷ USD (chiếm 20%).
Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng cho biết, phát hành trái phiếu hết 8 tháng năm 2022, toàn thị trường phát hành 235.000 tỷ đồng (giảm 30% so cùng kỳ). Trong đó, nhóm doanh BĐS phát hành 47.000 tỷ đồng (chiếm 21,3%), giảm 56,4% so với cùng kỳ năm 2021 (theo VBMA).
Theo ông Cấn Văn Lực, đây vẫn là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh các nước trên thế giới ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng cho rằng, Khánh Hòa là một thị trường cực kỳ tiềm năng, khu vực xuất sắc của quốc tế, vượt qua tầm quốc gia. Tuy nhiên, thị trường đang chững lại vì chính sách kiểm soát tín dụng và động thái tăng cường kiểm tra, kỷ luật cán bộ sai phạm.
Khánh Hòa hội đủ các tiềm năng để phát triển BĐS, đặc biệt là BĐS du lịch. Ảnh: Trung Vũ
Theo ông Nguyễn Văn Đính, thị trường BĐS Khánh Hòa mặc dù hiện tại ít giao dịch do không có nhiều sản phẩm, thế nhưng với sự phát triển của Khánh Hòa thì các vùng Bắc Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, Cam Lâm,... đều là các khu vực tiềm năng trong tương lai. Đặc biệt, với lợi thế về BĐS du lịch, Nha Trang sẽ có lợi thế mạnh để thu hút du lịch, đưa nhóm khách hạng sang, tiêu tiền nhiều sẽ tập trung tại đây.
"Hiện giá BĐS du lịch tại Khánh Hòa không hề cao so với các địa phương khác mà đang ở ngưỡng dưới trung bình. Thực tế giá BĐS ở Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nơi. Khánh Hòa là nơi có tiềm năng, sức hút nhưng vẫn chưa được triển khai rõ ràng. Từ giờ đến cuối năm 2022 và đầu năm 2023, thị trường sẽ vẫn thiếu nguồn cung, trong đó là các dự án về nhà ở, đất nền" - ông Nguyễn Văn Đính nhận định.