Dự án “chết đi sống lại”
Tòa nhà IFC One Saigon trước đây có tên là Saigon M&C (tọa lạc tại 34 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP Hồ Chí Minh), do Công ty Cổ phần địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư. Sau đó đổi tiến thành Saigon One Tower. Tuy nhiên, khi đang xây dựng dở dang đạt khoảng 80% thì dự án bất ngờ dừng thi công do mâu thuận nội bộ trong chủ đầu tư, nguyên nhân do phân chia tài sản có liên quan đến tổ chức nước ngoài. Dự án từng được thế chấp cho một khoản vay hơn 7.000 tỷ đồng, trở thành khoản nợ xấu thuộc một vụ án hình sự. Đến tháng 3/2018 được Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) thông báo bán đấu giá để xử lý khoản nợ xấu hơn 7.000 tỷ đồng.
Tòa nhà IFC One Saigon khi nằm trên khu "đất vàng" rộng hơn 6.600 m2 tại góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt (quận 1, TP Hồ Chí Minh) - Ảnh: Tiểu Thuý
Đây từng là một trong những dự án "nghìn tỷ" làm xấu bộ mặt TP Hồ Chí Minh nhiều năm qua. Nguyên chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thời điểm đó từng bức xúc khi chỉ đích danh tòa cao ốc tại số 34 Tôn Đức Thắng này "làm xấu bộ mặt TP Hồ Chí Minh". Thậm chí ông cảm thấy "đau lòng" khi nhiều bộ phim, hình ảnh giới thiệu về TP đều lộ ra ngôi nhà chọc trời xây dựng dở dang nằm "đắp chiếu" kế bên tòa nhà Bitexco khá “xinh đẹp”.
Tuy nhiên, mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Viva Land đã chính thức công bố là chủ đầu tư và phát triển dự án với tên gọi mới IFC One Saigon. Như vậy, sau hơn 1 thập kỷ ngừng thi công, dự án IFC One Saigon đã có chủ mới và đang được xây dựng, cải tạo trở lại.
Sau nhiều năm "đắp chiếu", hiện tại, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Viva Land là chủ đầu tư mới của dự án này - Ảnh: Tiểu Thuý
Tại dự án IFC One Saigon, theo ghi nhận trưa ngày 24/8, nhiều công nhân của Công ty Coteccons đang tiếp tục làm việc. Nhiều mảng kính ốp bên ngoài tòa nhà trước đây đã được tháo xuống, các công nhân đang "thay áo mới" cho tòa cao ốc bằng lớp kính mới là những hình tam giác khổ lớn màu sắc sặc sỡ. Phía dưới công trình, công nhân tất bật đưa các tấm kính vào trục cẩu để vận chuyển lên cao.
Có thể thấy, sau khi được thi công trở lại vào cuối năm 2021, diện mạo IFC One Saigon đang được hoàn thiện rõ nét hơn. Song, ngay khi vừa "sống lại", dự án này đã lập đỉnh giá mới. Theo đó, những ngày qua, thị trường râm ran thông tin giá căn hộ cao cấp tại đây ở mức 1 tỷ đồng/m2. Nếu thông tin này chính xác, đây sẽ là đỉnh giá mới của dòng căn hộ siêu sang ở Việt Nam, vượt mặt cả Grand Marina Saigon do Masterise Homes phát triển.
Bên ngoài của công trình toà nhà IFC One Saigon đang được ốp lên những tấm kính hình tam giác khổ lớn khá lạ mắt - Ảnh: Tiểu Thuý
Được biết trước kia, khi còn mang tên dự án Saigon One Tower, một số căn hộ tại đây đã được bán với mức giá khoảng 90 triệu đồng/m². Như vậy, nếu mức giá 1 tỷ đồng/m2 là thật, thì giá mới đã tăng gấp hơn 11 lần, sau khi chủ mới của dự án hoàn tất các thủ tục thanh lý hợp đồng mua bán từ chủ cũ.
Tòa nhà IFC One Saigon không có công năng ở?
Ngay sau những thông tin đồn đoán về mức giá 1 tỷ đồng/m2 tại dự án IFC One Saigon xuất hiện, trên mạng xã hội nhiều ý kiến trái chiều quanh vấn đề này. Bên cạnh một số ý kiến đánh giá dự án có vị trí đặc địa nên mức giá cao là phù hợp với cơ chế thị trường, thì cũng có vô số ý kiến thắc mắc, chủ đầu tư đã căn cứ vào cơ sở nào để định một mức giá “trên trời” như thế?
Ngày 25/8, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia bất động sản Nguyễn Văn Đực cho rằng, không chỉ với dự án IFC One Saigon, mà bất kì dự án bất động sản nào cũng vậy, rất khó để nhận định chủ quan là mức giá nào là cao hay mức giá nào là thấp vì tính cạnh tranh của mỗi dự án là khác nhau: “Mỗi chủ đầu tư đều có chỗ đứng riêng, thương hiệu riêng, có cách thiết kế riêng và đặc biệt là có quyền sử dụng riêng” – ông Đực nói và nhấn mạnh, nếu tin đồn 1 tỷ đồng/m2 là thật thì đồng nghĩa để mua 1 căn hộ 100m2 phải bỏ ra số tiền lên đến 100 tỷ đồng (tương đương khoảng 4 triệu USD), đây là con số rất lớn.
Suốt 15 năm bất động, dự án IFC One Saigon vừa "thức giấc" đã gây xôn xao với tin đồn giá bán chạm ngưỡng 1 tỷ đồng/m2
“Nếu tôi có 4 triệu USD, thay vì mua một căn hộ trên cao, tôi sẽ chọn mua một miếng đất, sau đó tự xây căn nhà mơ ước theo sở thích và nguyện vọng của mình” – ông Đực chia sẻ.
Ngoài ra, cũng theo chuyên gia Nguyễn Văn Đực, còn quá sớm để bàn về giá của dự án IFC One Saigon. Thay vào đó, cần phải xem xét 2 vấn đề quan trọng.
Thứ nhất, về mặt pháp lý, mục đích của toà nhà này trước đây là gì? Trong đó, bao nhiêu (%) diện tích là dùng cho dịch vụ thương mại, bao nhiêu (%) diện tích là dùng để ở.
“Trong trường hợp, dự án được cấp phép để xây căn hộ ở, thì cần phải xác định thời gian sử dụng còn lại là bao nhiêu năm. Vì thông thường, các toà nhà thương mại dịch vụ chỉ có thời hạn sử dụng 50 năm. Trong khi toà nhà IFC One Saigon đã tồn tại mười mấy năm, nếu trừ ra thì chỉ còn hơn 30 năm. Vậy thử hỏi, ai dám mua 1 sản phẩm nhà ở mà thời gian tồn tại chỉ còn hơn 30 năm với mức giá 1 tỷ/m2 hay không?” – ông Đực đặt vấn đề.
Thứ hai, về mặt sử dụng, vị chuyên gia này đánh giá, toà nhà IFC One Saigon phù hợp làm văn phòng, nhưng không có công năng ở, vì được bao bọc xung quanh toàn là kính.
“Một toà nhà mà nhìn đâu cũng chỉ thấy kính thì không khác gì một “trái bắp nướng” nóng bức và ngột ngạt. Căn hộ (hay 1 đơn vị ở) đúng nghĩa là phải thu được ánh sáng mặt trời, thu được gió… Dù view toà nhà IFC One Saigon nhìn thẳng ra sông Sài Gòn, nhưng với thiết kế bao phủ toàn là kính, thì không có khe nào để ánh nắng mặt trời hay gió từ sông Sài Gòn chui vào” – ông Đực phân tích.
Dự án IFC One Saigon được đánh giá không có công năng ở, vì bao phủ 100% bằng kính, có view hướng ra sông Sài Gòn nhưng không đón gió mát từ sông Sài Gòn bay vào - Ảnh: Tiểu Thuý
Ông Đực nhấn mạnh, một căn hộ để ở tốt phải đảm bảo trên 50% là tường, cửa kính các loại khoảng 30-40% là phù hợp. Đặc biệt, với căn hộ ở Sài Gòn, căn hộ miền nhiệt đới thì luôn luôn phải có ban công. Từ căn hộ giá rẻ bậc nhất của Thái An, cho đến những căn hộ của Becamex Bình Dương cũng đều có ban công. Nhưng với toà nhà IFC One Saigon đây là điều không thể, vì toà nhà này phủ 100% bằng kính: “Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, con người rất cần sự thông thoáng. Gió, ánh nắng vào nhà sẽ giúp diệt vi khuẩn, vi trùng, trao đổi không khí, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây cũng là lý do mà ngày nay, người có tiền luôn tìm không gian sống xanh mát, gần gũi với thiên nhiên”.
Đánh giá về tin đồn đoán về mức giá 1 tỷ đồng/m2 tại dự án IFC One Saigon, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang nghi ngờ, đây là chiêu trò của sale nhằm làm nóng lại thị trường.
“Giá cao hay thấp chỉ là một phần của vấn đề, quan trọng là pháp lý của dự án có cho xây căn hộ hay không. Ngoài ra, một dự án có vị trí tốt thôi chưa đủ, để tạo ra mức giá 1 tỷ/m2, căn hộ đó phải thật sự đẳng cấp, độc nhất, duy nhất và giới hạn nhất, chẳng hạn chỉ có từ 30 – 40 căn đổ lại” – ông Quang nói.
Thực tế đến thời điểm này, dù các thông tin về giá tại dự án IFC One Saigon cũng chỉ mới dừng lại ở mức độ tin đồn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, “sức nóng” xoay quanh dự án này đang lan toả khắp thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh.
Liệu rằng, sau khi về tay VivaLand dự án IFC One Saigon sẽ "hồi sinh" như thế nào? Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc