Thứ 5, 21/11/2024, 23:28 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Vụ người tiêu dùng “tố” ăn gạo mầm Vibigaba có vị đắng và gây ngứa: Tập đoàn Lộc Trời nói gì?

Vụ người tiêu dùng “tố” ăn gạo mầm Vibigaba có vị đắng và gây ngứa: Tập đoàn Lộc Trời nói gì?
(Tieudung.vn) - Sau khi Tieudung.vn (báo Kinh tế và Đô thị) đăng bài liên quan đến những phản ánh của cô L.T.M. (Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) về việc ăn gạo mầm Vibigaba có vị đắng và gây ngứa, thì mới đây Tập đoàn Lộc Trời đã có văn bản phản hồi về vụ việc.

Trong các văn bản gửi đến PV báo Kinh tế & Đô thị (ngày 27/3 và 6/4), Tập đoàn Lộc Trời đề cập đến nhiều nội dung. Trong đó, có 3 vấn đề quan trọng:

Vụ người tiêu dùng “tố” ăn gạo mầm Vibigaba có vị đắng và gây ngứa: Tập đoàn Lộc Trời nói gì?

Túi gạo mầm Vibigaba (NSX 9/6/2020, HSD 9/6/2021) nằm trong thùng gạo mà cô M. phản ánh ăn có vị đắng và gây ngứa

Thứ nhất, Tập đoàn Lộc Trời xác nhận, gạo mầm Vibigaba mà cô M. mua và phản ánh ăn có vị đắng là sản phẩm do Tập đoàn Lộc Trời sản xuất. Theo đó, sản phẩm được xác định thuộc Lô sản xuất vào tháng 9/2020, gồm 1.000kg (tương đương 100 thùng gạo) nhưng không hề ghi nhận bất kỳ phản ánh nào giống như cô M. đã nêu.

Vì vậy, để xác định nguyên nhân cô M. ăn gạo mầm Vibigaba có hiện tượng đắng và gây ngứa, vào lúc 14 giờ 30 (ngày 17/3) Tập đoàn Lộc Trời đã tiến hành đánh giá cảm quan mẫu lưu gạo Vibigaba lức date 9/6/2020. cho thấy các chỉ tiêu mùi thơm, màu sắc, cấu trúc, độ dẻo, độ ngọt là bình thường và có vị hơi nhẫn (đặc trưng của sản phẩm gạo mầm Vibigaba lức) không phát hiện có vị đắng như phản ánh khiếu nại của cô M.

Tuy nhiên, với PV báo Kinh tế & Đô thị, cô M. tỏ ra không tin tưởng vào quy trình đánh giá cảm quan của Tập đoàn Lộc Trời. Cụ thể, cô M. cho biết, ngày 30/3 vừa qua, nhân viên của Lộc Trời gồm 3 người (N.A, Q.T và V.H) đã đến trực tiếp nhà cô M. để lấy mẫu đem về làm phân tích tại cơ quan chức năng được nhà nước cấp phép kiểm nghiệm. Đồng thời, cũng tại buổi làm việc này, 3 nhân viên của Lộc Trời còn dùng gạo mầm Vibigaba nấu cơm và đánh giá cảm quan. Tuy nhiên, kỳ lạ là vì nấu cơm bằng nước Aquafina còn nguyên niêm phong: “Tôi không hiểu vì sao họ phải dùng nước Aquafina để nấu, rõ ràng trên bao bì ở phần hướng dẫn sử dụng không hề đề cập phải dùng cụ thể loại nước nào để nấu cơm. Hiện tại khi đã đổi qua ăn gạo khác, tôi vẫn dùng nồi cơm đó, nguồn nước đó, nhưng không hề bị đắng. Tại sạo gạo mầm Vibigaba lại đắng, vấn đề không phải ở chai nước, mà là ở hạt gạo”, cô M. gay gắt.

Xác nhận gạo mầm Vibigaba có đắng, cô M. hi vọng sau quá trình lấy mẫu, phân tích, Tập đoàn Lộc Trời sẽ đưa ra một kết quả khách quan, chính xác, để có câu trả lời thoã đáng đến cô M., cũng như hàng triệu người Việt Nam đã và đang tin tưởng sử dụng sản phẩm gạo mầm Vibigaba với mức giá không hề rẻ (70.000 đồng/kg).

Vụ người tiêu dùng “tố” ăn gạo mầm Vibigaba có vị đắng và gây ngứa: Tập đoàn Lộc Trời nói gì?

Báo cáo kết quả đánh giá cảm quan mẫu lưu gạo mầm Vibigaba lức date ngày 9/6/2020 do Tập đoàn Lộc Trời cung cấp

Thứ hai, Tập đoàn Lộc Trời bác bỏ thông tin nhân viên N.A. cư xử không đúng mực. Theo đó, Lộc Trời khẳng định Tập đoàn có quy trình xử lý khiếu nại khách hàng và toàn bộ nhân viên đều chuẩn mực khi giao tiếp, tuyệt đối không được có hành vi, lời nói không đúng mực với khách hàng.

Theo đó, Lộc Trời cho biết, trước ngày 30/3 là thời gian trang Tieudung.vn phản ánh - không có bất kỳ ai tên N.A có tiếp xúc với cô M., và trong phòng kinh doanh nội địa không có bất kỳ ai tên N.A. Buổi hẹn gặp trực tiếp ngày 30/3 để lấy mẫu và làm cảm quan là buổi đầu tiên N.A. tiếp xúc với cô M.

Liên quan đến nội dung này, ngày 25/3, báo Kinh tế & Đô thị nhận được đơn phản ánh (viết tay) của cô M. (trước đó ngày 19/3 nhận được phản ánh của cô M. qua Hộp thư của báo). Trong đơn phản ánh, cô M. trình bày rất rõ ràng về việc một người tên N.A. tự giới thiệu là nhân viên của Lộc Trời gọi điện cho cô M. để xin lấy mẫu gạo về xét nghiệm. Như vậy, có nghĩa là từ ngày 25/3, cô M. đã biết ở Lộc Trời có một nhân viên tên N.A.

Do đó, nếu như ngày 30/3 là ngày đầu tiên cô M. gặp N.A., và trước đó nhân viên này không gọi điện cho cô thì làm sao cô M. biết được ở Tập đoàn Lộc Trời có một người tên là N.A., để mà viết tên người này vào đơn và gửi đến báo Kinh tế & Đô thị từ ngày 25/3: “Tôi khẳng định N.A. và Q.T. đều có gọi điện cho tôi trước buổi gặp ngày 30/3, và thực tế họ đều là nhân sự của Lộc Trời. Nếu Tập đoàn Lộc Trời đã quy định quy trình xử lý khiếu nại khách hàng là quy trình mà toàn bộ nhân viên phải chấp hành, thì dù là nhân viên nào vi phạm, đó cũng là trách nhiệm của Lộc Trời”, cô M. nói.

Thứ ba, về quy trình đóng gói, Tập đoàn Lộc Trời cho biết, bổ sung gạo mầm Vibigaba đăng ký hồ sơ công bố với quy cách bao gói là: 250 g; 500 g; 1 kg, 2 kg và 5 kg. Chất liệu bao bì: sản phẩm Gạo mầm Vibigaba được bao gói trong bao bì nhựa PE, PA bên ngoài là hộp giấy dat theo QCVN 12- 1:2011/BYT.

Theo đó, Tập đoàn Lộc Trời khẳng định đóng gói đúng quy cách, theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Cụ thể, Thùng chứa 10 hộp gạo (thùng carton) chỉ có chức năng hỗ trợ vận chuyển, lưu kho, do đó không được ghi nhãn hay thời hạn sử dụng. Quy định ghi nhãn và hạn sử dụng chi áp dụng cho bao bì thương mại, là các hộp gạo chứa trực tiếp sản phẩm, và Tập đoàn Lộc Trời tuân thủ đầy đủ quy định này.

Vụ người tiêu dùng “tố” ăn gạo mầm Vibigaba có vị đắng và gây ngứa: Tập đoàn Lộc Trời nói gì?

Bao bì mẫu mới gạo mầm Vibigaba có ghi hạn sử dụng được so sánh với bao bì mẫu cũ không ghi hạn sử dụng (Ảnh do Tập đoàn Lộc Trời cung cấp)

Với giải thích này của Tập đoàn Lộc Trời, có thể hiểu rằng, thùng carton bên ngoài chỉ có chức năng hỗ trợ vận chuyển, lưu kho, do đó không được ghi nhãn hay thời hạn sử dụng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến 2 thùng gạo (20 kg) mà cô M. mua bên ngoài thùng carton chỉ thể hiện ngày đóng gói cùng tổ sản xuất. 

Tuy nhiên, cần phải làm rõ ở đây là không được hay không cần ghi nhãn hay thời hạn sử dụng. Vì thực tế, trước đó, cũng chính Tập đoàn Lộc Trời trả lời báo Kinh tế & Đô thị, sản phẩm gạo mầm Vibigaba đóng gói theo bao bì mới có in ngày sản xuất và hạn sử dụng trên bao bì gói nhỏ l kg lẫn vỏ thùng lớn (1 thúng chứa 10 gói nhỏ).

Như vậy, tại sao cùng là gạo mầm Vibigaba, với mẫu cũ trên thùng carton chỉ ghi ngày sản xuất, mà mẫu mới lại ghi đủ cả ngày sản xuất và hạn sử dụng? Sự khác nhau này là do nguyên nhân nào? Là do sự cấp phép từ cơ quan chức năng hay từ sự chủ động của Tập đoàn Lộc Trời?

Chưa kể, mục đích của việc ghi ngày sản xuất trên thùng carton (mẫu cũ) là gì? Căn cứ trên ngày sản xuất các đại lý, nhà phân phối của Lộc Trời sẽ xác định được hạn sử dụng của thùng gạo (ví dụ, thùng gạo sẽ có hạn sử dụng 1 năm, 2 năm hoặc 3 năm…tính từ ngày sản xuất) để bán hàng? Trong khi đó, hoàn toàn mập mờ về hạn sử dụng?

“Tôi sống một mình ăn rất ít, 1 kg gạo mầm tôi ăn 7 ngày mới hết, có nghĩa 20 kg tôi phải ăn gần 5 tháng mới hết. Do đó, tôi sẽ không bao giờ bỏ tiền mua thùng gạo mà hạn sử dụng chỉ còn 2 tháng. Không ghi hạn sử dụng trên thùng gạo là thiếu xót lớn của nhà sản xuất, nhưng thiệt hại sau cùng thuộc về người tiêu dùng”, cô M. nói thêm.

Dự kiến ngày 8 - 9/4 tới đây, Tập đoàn Lộc Trời sẽ công bố kết quả thử nghiệm mẫu gạo (NSX 9/6/2020, HSD 9/6/2021) được lấy tại nhà riêng của cô M.

Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Tags:
2.33 3 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tỷ giá
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.24096 sec| 837.477 kb