Gạo ST25 đạt giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2019.
Tính từ thời điểm tháng 11/2019, gạo ST25 giành giải “Gạo ngon nhất thế giới” tại cuộc thi World’s Best Rice đến nay đã được gần 6 tháng, song Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí vẫn chưa đăng ký hợp quy để kinh doanh lúa giống ST25. Vậy điều này có đồng nghĩa với việc chỉ có gạo do doanh nghiệp này phân phối mới là gạo ST25 hay không? Ai sẽ được bán lúa giống ST25? Ai sẽ được bán gạo ST25?...
Chỉ bảo hộ quyền tác giả...
Gạo ST25 thuộc dòng lúa thơm “ST” do kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua (Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, 196 đường Tỉnh 934, ấp Hà Đô, xã Tải Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) lai tạo và cải tiến trong 20 năm qua. Theo đó, từ năm 2017, doanh nghiệp này đã kinh doanh gạo ST25 ra thị trường dưới hình thức bán lẻ, không thương hiệu.
Đến tháng 11/2019, tại Hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần thứ 11 diễn ra ở Manila (Philippines), gạo ST25 của Việt Nam đã xuất sắc vượt qua nhiều giống gạo của các nước khác và lần đầu tiên giành Giải Nhất cuộc thi gạo ngon thế giới 2019. Tuy nhiên, cũng từ đây, thị trường gạo trong nước phải đối diện với rất nhiều áp lực, nảy sinh từ hàng loạt bất cập liên quan đến ST25 như: “gạo giả ST25”; “gạo nhái ST25”; “bảo hộ ST25”; “độc quyền ST25”… Sự việc lên đến đỉnh điểm khi ngày 30/3/2020, Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí ra văn bản số 02.2020/HQT gửi các cơ quan chức năng về việc lúa giống ST24 và ST25 bị sản xuất giả trên thị trường.
Ngày 30/3/2020, Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí ra văn bản về việc sản xuất lúa giống ST24, ST25 giả trên thị trường.
“Hiện doanh nghiệp đã chuyển giao công nghệ sản xuất và quyền sử dụng không độc quyền hai giống lúa nêu trên cho doanh nghiệp tư nhân TM-DV Hồ Quang, MST: 2200694077. Địa chỉ: số 25, đường Tỉnh 943, ấp Thạnh Lợi, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng (hai doanh nghiệp chung một gia đình)”, văn bản của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí nêu rõ.
Tạm bỏ qua giống lúa ST24 vì giống này đã được trồng đại trà, riêng giống ST25 chỉ mới được Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cấp Quyết định bảo hộ số 45/QĐ-TT-VPBH ngày 06/03/2020.
Dòng lúa Oryza sativa L... Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, đại đa số cây lúa được trồng hiện nay thuộc giống Oryza sativa L..., được gọi chung là “lúa châu Á”. Giống này được phân thành hai tiểu nhóm là indica và japonica. Lúa thuộc tiểu nhóm japonica có hạt ngắn và dính (tức lúa nếp), trong khi tiểu nhóm indica có hạt dài và không dính (tức lúa tẻ). Một điểm được các nhà nghiên cứu trên thế giới cùng nhất trí là giống lúa được trồng hiện nay có nguồn gốc từ giống lúa hoang Oryza rufipogon, cách đây hàng nghìn năm. Tuy nhiên, nguồn gốc và quá trình thuần hóa giống lúa này vẫn còn là chủ đề tranh luận |
Đến ngày 06/04/2020, Cục Trồng trọt cấp số bằng 21.VN.2020 (tên giống lúa ST25; Thuộc loài Lúa-Oryza sativa L; Tác giả giống cây trồng: Hồ Quang Cua và đồng tác giả Trần Tuấn Phương, Nguyễn Thị Thu Hương) cho Chủ sở hữu là Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, với thời hạn bảo hộ là 20 năm.
Vậy bằng bảo hộ này sẽ có ý nghĩa và giá trị tới đâu, quyền lợi của chủ sở hữu và tác giả được đề cập trong bằng bảo hộ này sẽ như thế nào, là điều cần làm rõ để tránh hiểu nhầm.
…Không bảo hộ thương hiệu giống lúa ST25?
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay trên thế giới không có luật bảo hộ thương hiệu giống cây trồng vì cây là của tự nhiên, không thuộc của riêng ai. Cụ thể, giống lúa ST25 thuộc Loài Lúa-Oryza sativa L…, có nghĩa là nhóm tác giả đã lai tạo thành công giống lúa này trên nền tảng của Loài Lúa Oryza sativa L…mà Loài Lúa Oryza sativa L… hiển nhiên là của tự nhiên.
Do đó không thể độc quyền thương hiệu giống lúa ST25 (bao gồm cả Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí). Hàng ngàn hộ nông dân nhỏ lẻ được quyền nhân giống lúa ST25, được quyền trồng giống lúa ST25 và được quyền bán gạo ST25.
Liên quan đến nội dung nói trên, Sở NN&NT tỉnh Sóc Trăng cũng đã thừa nhận, hiện nay chỉ bảo hộ giống lúa ST25, không bảo hộ gạo ST25, nên mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền bán loại gạo này.
Bẳng bảo hộ giống cây trồng do Cục Trồng trọt cấp ngày 6/4/2020.
Chưa kể, ngày 18/6 vừa qua, trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định, Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí chưa đăng kí bảo hộ nhãn hiệu ST25.
“Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được xác lập khi dựa trên quyết định cấp văn bằng bảo hộ, do đó mặc dù doanh nghiệp đã sử dụng nhãn hiệu ST25 trên thị trường, nhưng nếu không nộp đơn đăng kí nhãn hiệu và Cục Sở hữu trí tuệ cũng chưa có quyết định cấp, thì doanh nghiệp đó chưa có quyền gì đối với nhãn hiệu ST25”, vị này giải thích.
Khoan bàn đến việc gạo giả ST25, gạo nhái ST25… trên thị trường. Việc trước hết cần phải làm sáng tỏ chính là góc nhìn của người tiêu dùng về gạo ST25 hiện nay. Thực chất, ngoài Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và các đơn vị có liên kết với doanh nghiệp này đang bán gạo ST25, thì còn rất nhiều các cá nhân, đơn vị khác cũng đang bán loại gạo này một cách công khai. Vậy việc kinh doanh này có được xem là xâm phạm quyền lợi của tác giả hay đơn vị chủ sở hữu đã được cấp chứng nhận bảo hộ hay không?
Minh bạch thị trường sẽ giúp đảm bảo sự công bằng trong kinh doanh, tạo môi trường kinh tế tri thức trong sạch cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hàng nghìn hộ nông dân nhỏ lẻ đang trồng giống lúa ST25.
Cần phải nhấn mạnh rằng, gạo ST25 đạt giải nhất trở thành “Gạo ngon nhất thế giới” mới chỉ là bước khởi đầu cho chiến lược dài hơi là nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Do đó, chuyện của hạt gạo ST25 bây giờ không còn là của riêng nhóm nghiên cứu, hay của tỉnh Sóc Trăng, mà là câu chuyện của cả ngành lúa gạo Việt Nam.
Liên quan đến những bất cập giữa giống lúa ST24 và giống lúa ST25, gạo ST24 và gạo ST25…Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin trong những bài viết tiếp theo.