Gạo mầm Vibigaba bị đắng?
Ngày 19/3, Tieudung.vn (báo Kinh tế & Đô thị) nhận được đơn phản ánh của cô L.T.M. (56 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) về những bất thường trong quá trình sử dụng sản phẩm gạo mầm Vibigaba (mẫu cũ) do Tập đoàn Lộc Trời sản xuất.
Cô M. cho biết, năm 2016, sau ca mổ u não, cô bắt đầu tìm hiểu và quyết định chuyển sang ăn hoàn toàn bằng gạo mầm Vibigaba: “Trước mổ, tôi ăn gạo trắng có giá bình dân 15.000/kg. Tuy nhiên, sau mổ, tôi đổi sang ăn gạo mầm Vibigaba với giá bán cao hơn gần 5 lần (70.000 đồng/kg), vì là người ăn chay nên tôi với hy vọng hàm lượng GABA cao trong sản phẩm sẽ giúp tôi phục hồi sức khoẻ sau phẫu thuật”, cô M nói.
Những hộp gạo mầm Vibigaba trong thùng gạo mà cô M. mua để sử dụng trong thời gian có dịch Covid-19, nhưng sau đó ăn thì phát hiện bị đắng
"Suốt 5 năm sử dụng, cô hoàn toàn hài lòng vì ăn gạo mầm rất tốt, cơ thể khỏe khoắn, đầu óc minh mẫn, có thể làm việc nhiều giờ liên tục nhưng không hề cảm thấy mỏi lưng. Song, không hiểu vì lý do gì, thời gian gần đây, khi ăn gạo mầm Vibigaba cô M. không còn cảm nhận được vị ngọt, thay vào đó là vị đắng, rồi đến cảm giác tê lưỡi, và cuối cùng là bị ngứa và nổi mụn đỏ tại nhiều vị trí trên cơ thể", cô M. cho biết.
Cụ thể, tháng 10/2020, do tình hình dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp, dù nhà còn gạo, cô M. vẫn cẩn thận đặt mua trên internet thêm 2 thùng gạo mầm Vibigaba với giá 1,4 triệu đồng (loại thùng carton 10 ký, bên trong chia thành 10 gói nhỏ, mỗi gói 1 kg) để trữ phòng dịch. Đến đầu tháng 3/2021, cô M. khui thùng gạo này ra sử dụng thì bất ngờ vì gạo này nấu lên, ăn vào có vị đắng: “Ban đầu tôi cứ đinh ninh là vị giác của mình có vấn đề, nên để chắc chắn tôi đã gửi túi gạo 1kg cho người bạn của mình ăn thử, thì người này cũng cảm nhận cơm nấu ra có vị đắng. Chưa kể, chỉ sau vài lần sử dụng tôi cảm thấy lưỡi bị tê, người mệt mỏi và ngứa. Lo lắng về chất lượng của thùng gạo, tôi đã gọi điện đến đường dây nóng 1900565623 của Tập đoàn Lộc Trời để phản ánh vụ việc. Tuy nhiên, nhân viên Lộc Trời yêu cầu tôi đi tìm người bán gạo mà phản ánh”, cô M. kể lại.
Vài giờ sau đó, một người tên N.A. tự xưng là nhân viên của Lộc Trời, gọi điện cho cô M. để xin lấy 1 mẫu gạo về xét nghiệm, nhưng khi cô M. yêu cầu hoàn lại 70.000 đồng tiền mua gạo cho cô, thì N.A. từ chối, vì vậy cô M. cũng không chấp nhận bàn giao mẫu: “Mặc dù không thống nhất được, nhưng sáng hôm sau, nhân viên của Lộc Trời vẫn gọi cho tôi để đến lấy mẫu, khi bị tôi từ chối, nhân viên này trả lời “người ta mua cả tấn không nói gì, cô mua vài chục kg mà nói”. Vì thái độ thiếu tôn trọng người tiêu dùng của Lộc Trời, nên tôi mong các cơ quan báo chí vào cuộc để xác minh vụ việc”, cô M. bức xúc.
Theo cô M., đã là người tiêu dùng thì vài chục kg chứ vài lạng gạo, Tập đoàn Lộc Trời vẫn phải có trách nhiệm với sản phẩm do đơn vị mình sản xuất. Không thể đổ trách nhiệm cho người bán (suy cho cùng người bán hàng này cũng là người mua sản phẩm của Lộc Trời), càng không thể giải quyết phản ánh của người tiêu dùng theo kiểu người mua nhiều thì có tiếng nói, còn người mua ít thì “bỏ rơi”…
Bao bì bên ngoài (thùng carton) không ghi hạn sử dụng
Trên thùng carton gạo mầm Vibigaba (mẫu cũ) do Tập đoàn Lộc Trời sản xuất không ghi hạn sử dụng, chỉ thể hiện ngày đóng gói cùng tổ sản xuất
Liên quan đến những phản ánh nói trên, ngày 20/3, PV báo Kinh tế & Đô thị đã đến tận nơi ở của cô M. (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) để ghi nhận vụ việc.
Tại đây, cô M. đã cho PV xem 2 thùng gạo mà cô mua vào thời điểm tháng 10/2020. Trong đó, thùng gạo còn hạn sử dụng 3 tháng (từ ngày 9/6/2020 đến 9/6/2021) là thùng gạo đã được cô M. khui ra nấu ăn, và phản ánh có vị đắng). Đồng thời, thùng gạo còn lại, chưa sử dụng gói gạo nào thì có hạn sử dụng (từ ngày 7/12/2019 đến 7/12/2020), có nghĩa ở thời điểm ngày 20/3/2021, thùng gạo này đã hết hạn sử dụng). Và thời điểm cô M. mua thùng gạo này, hạn sử dụng còn khoảng 2 tháng.
Qua quá trình quan sát, PV nhận thấy, bao bì bên ngoài (thùng carton) gạo mầm Vibigaba (mẫu cũ) do Tập đoàn Lộc Trời sản xuất không ghi hạn sử dụng, chỉ thể hiện ngày đóng gói cùng tổ sản xuất. Theo đó, hạn sử dụng chỉ được in riêng trên bao bì trực tiếp (vỏ hộp gạo mầm Vibigaba), và để biết được thời hạn sử dụng, người tiêu dùng buộc phải khui cả thùng gạo ra.
Trong trường hợp của cô M., mặc dù mua hai thùng gạo cùng ngày, nhưng vì nhà sản xuất không in hạn sử dụng bên ngoài thùng carton, nên cô M. không biết để sử dụng trước thùng gạo có hạn sử dụng ngắn hơn (từ ngày 7/12/2019 đến 7/12/2020). Và kết quả là thùng gạo này đã hết date trước khi được sử dụng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ở đây điển hình là cô M.
Ngoài ra, cũng cần phải làm rõ, cách đóng gói bao bì như trên là từ nhà máy của Tập đoàn Lộc Trời hay do các đại lý, các nhà phân phối sau khi nhập gạo của Lộc Trời rồi tự đóng gói. Vì nếu, thùng carton được niêm phong từ nhà máy của Tập đoàn Lộc Trời thì các đại lý, các nhà phân phối phải dựa vào cơ sở nào để xác định hạn sử dụng của thùng gạo đó? Bất cập này có phải là nguyên nhân dẫn đến việc cô M. mua thùng gạo mới, nhưng hạn sử dụng tại thời điểm nhận gạo chỉ còn có 2 tháng hay không?
Cũng tại buổi ghi nhận này, cô M. đã trực tiếp dùng gạo mầm Vibigaba nấu thành cơm, rồi ăn trước mặt PV, và một lần nữa khẳng định cơm có vị đắng.
Hình ảnh cơm được nấu từ gạo mầm Vibigaba ngay tại nhà cô M. (ngày 20/3/2021)
Quy trình đóng gói bị lỗi?
Để xác minh thông tin mà cô M. phản ánh, ngày 24/3, PV báo Kinh tế & Đô thị liên hệ với Tập đoàn Lộc Trời thông qua Hotline 1900565623 thì được nhân viên của Lộc Trời xác nhận, trường hợp của cô M. tổng đài đã tiếp nhận thông tin và có chuyển qua bên phòng kinh doanh gạo. Sau đó, phòng kinh doanh gạo có liên hệ lại với cô M. thì được biết thùng gạo cô mua để tránh dịch, nhưng vì mua trên mạng nên không biết mua địa chỉ nào, để dễ dàng đổi trả. Vì nguyên tắc, là phải đổi trả từ người mua với người bán trước, rồi sau đó công ty liên hệ với người bán thì mới có thể tiến hành nhập kho lại: “Cô M. cung cấp thông tin date thùng gạo không nhất quán, lúc đầu cô nói ngày 6/9/2021, nhưng sau đó lại nói tháng 12/2020, có nghĩa là gạo đã hết date. Phòng kinh doanh có liên hệ cô xin gạo về để kiểm tra, đồng thời xem bao bì có phải là hàng của công ty hay không nhưng cô không hợp tác. Hiện công ty vẫn đang cố gắng liên hệ lại với khách hàng để tìm hướng giải quyết ổn thoả nhất”, nhân viên của Lộc Trời nói.
Tuy nhiên, sau khi nghe PV trình bày về việc hai thùng gạo mà cô M. mua không có hạn sử dụng trên thùng carton bên ngoài, thì nhân viên này khẳng định, tất cả các thùng gạo đóng xuất kho đều có in ngày sản xuất ở phía ngoài thùng, chắc do thiếu xót một vài thùng và cô M không may mua trúng.
Hình ảnh cô M. với chi chít các mẩn đỏ gây ngứa (Ảnh do cô M. cung cấp)
PV tiếp tục đặt câu hỏi, vậy lỗi này là lỗi của nhà sản xuất phải không? Thì nhân viên này trả lời: “Cái này em chưa rõ, vì em chỉ mới hỏi bên phòng bao bì, thì phòng bao bì trả lời em như vậy”.
Trong hai ngày 24 và 25/3, trao đổi với PV, bà Thảo – người được giới thiệu đang phụ trách mảng truyền thông của Tập đoàn Lộc Trời một lần nữa xác nhận, Lộc Trời đã nhận được phản ánh của cô M. tổng cộng 3 lần qua tổng đài. Tuy nhiên, quy trình của Lộc Trời khi nhận được phản ánh là phải xem sản phẩm, xác minh sản phẩm, sau đó có kết luận thì mới đổi sản phẩm cho khách hàng. Sự việc chậm trễ là do cô M. không tạo điều kiện để Lộc Trời được tiếp cận sản phẩm.
Vì vậy, để hỗ trợ bà Thảo, PV đã gửi toàn bộ hình ảnh gạo mầm Vibigaba mà PV ghi nhận tại nhà cô M. để tập đoàn Lộc Trời tham khảo. Đến ngày 30/3, nhân viên của Tập đoàn Lộc Trời đã đến ghi nhận và thu hồi mẫu gạo mà cô M. phản ánh để đem về phân tích.
Tại buổi làm việc này, cô M. có đề cập mong muốn được Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ cô kinh phí để thực hiện xét nghiệm, vì cơ thể cô đang bị ngứa và nổi mụn đỏ rất nhiều, gây khó chịu cho việc sinh hoạt và cuộc sống thường ngày. Nhưng chưa được Tập đoàn Lộc Trời phản hồi lại, vì vậy, cô M. cho biết, ngày 5/4, cô sẽ tự đi xét nghiệm máu để đảm bảm an toàn cho bản thân (còn nữa).
Tập đoàn Lộc Trời nói gì? Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin kỳ tới.