Sôi động trở lại
Vài tháng gần đây, hoạt động giao dịch tiền ảo sôi động trở lại, số người mua máy đào Bitcoin tăng lên sau một thời gian dài “đắp chiếu”. Đáng lo nhất là hàng loạt sàn tiền ảo đa cấp trá hình xuất hiện. Cùng với đó là việc xuất hiện hàng chục đồng tiền ảo mới như Win, CBR, GEM, Silling, ETM, ESR, BKC, VNDC… Mỗi đồng tiền ảo lại gắn với một hệ sinh thái. Công thức chung của các loại tiền ảo này là lợi nhuận siêu hấp dẫn, hoa hồng 7 - 9 tầng do một công ty mới thành lập phát hành (hầu hết có trụ sở ở nước ngoài nhưng trang web bằng tiếng Việt và người truy cập hầu hết đến từ Việt Nam)...
Tại Việt Nam, việc giao dịch tiền ảo không hợp pháp, tuy nhiên giới đầu tư vẫn rỉ tai nhau về một số sàn giao dịch tiền ảo
Để tham gia ứng dụng, người dùng đăng ký tài khoản, điền các thông tin cá nhân và thông tin về người giới thiệu, đồng thời phải nạp vào tài khoản của mình số tiền ít nhất là 100 USD (gần 2,4 triệu đồng) để sử dụng. Số tiền khi nạp vào tài khoản được quy đổi thành “gem”, mỗi “gem” tương ứng với 1 USD. Sau đó dùng “gem” đổi ra “điểm” (hay còn gọi là Poinst) để nhận lãi từ 0,2 - 0,1% điểm mỗi ngày. Người tham gia nếu giới thiệu được nhiều người khác cùng sử dụng ứng dụng thì sẽ được chiết khấu hoa hồng theo từng cấp tương tự mô hình đa cấp.Tin lời người quen, bà H.T.T.N cho biết, bà và nhiều người đã bỏ tiền mua Bitcoin (BTC) rồi chuyển vào sàn Bitkingdom, không rút lãi hằng tháng mà cộng dồn vào vốn, tiếp tục xoay vòng đầu tư. Chị M.D, một NĐT cho biết, theo giới thiệu của một người quen, đồng ADA đang là đồng tiền có tiềm năng bậc nhất trên sàn tiền ảo quốc tế. Nếu đầu tư vào đây, CLB cam kết sẽ trả lợi nhuận 5%/ngày cho đến khi NĐT thu được mức lợi nhuận 150%.
Điểm chung của các dự án này là dụ NĐT bỏ tiền thật mua một trong những đồng tiền ảo thuộc top 3, top 5 các tiền ảo hàng đầu trên thế giới (thường là Bitcoin, Ethereum, USDT). Sau đó, sử dụng số tiền ảo này để mua tiền ảo nội bộ do các công ty này tự phát hành (tiền ảo rác). Chiêu thức này khiến các sàn lừa đảo vừa thu về lượng lớn tiền ảo giá trị lớn, có tính thanh khoản cao, vừa để né cơ quan chức năng truy dấu vết dòng tiền (nếu chuyển tiền đầu tư bằng tiền đồng thì sẽ rất dễ bị truy dấu vết, kết tội lừa đảo, chiếm đoạt). Đặc biệt, ở Việt Nam hiện nay, rất phổ biến hình thức đầu tư tiền ảo theo kiểu ủy thác đầu tư hoặc đa cấp, với quảng cáo bảo toàn vốn, lợi nhuận lên tới 100%.
Có nên xem là kênh đầu tư?
Thống kê của Bloomberg Galaxy Crypto mới đây cho thấy, mức tăng giá của tiền ảo nói chung tính từ đầu năm tới thời điểm cuối tháng 9/2020 khoảng 66%. Khi đó, những đồng tiền ảo mạnh như Bitcoin dừng ở mức giá 10.491 USD, Ethereum giá 341 USD… Tuy nhiên, diễn biến 2 tuần qua, khi quan sát trên website thống kê https://coinmarketcap.com, thị trường tiền ảo vẫn tiếp tục tăng giá. So với kênh đầu tư khác, kênh đầu tư tiền ảo có mức tăng giá cao hơn gấp 3 - 4 lần.
Đây cũng là lý do khiến các sàn đa cấp tiền ảo biến tướng công khai dụ dỗ NĐT trên các mạng xã hội. Chuyên gia đầu tư Phan Dũng Khánh nhận định, các hoạt động lừa đảo liên quan đến tiền ảo vẫn có “đất sống” do nhiều người vẫn còn lòng tham, bị hấp dẫn với lãi suất cao và chi hoa hồng nhiều tầng lớp. Thứ hai, có một số người đã bị lừa mất tiền nhưng vẫn có tâm lý “gỡ gạc” nhanh nên muốn lao vào lại những hoạt động đó, tương tự kiểu “con bạc càng thua càng muốn chơi để gỡ”. Thứ ba, bản thân một số NĐT đã bị lừa nhưng vẫn muốn tham gia vào các hệ thống này để đi lừa những người khác hòng lấy lại số tiền đã mất...
Theo các chuyên gia, hoạt động này không chỉ trái pháp luật mà còn tiềm ẩn 99% khả năng là lừa đảo. Trong trường hợp bị mất tiền, NĐT cũng không thể nhờ pháp luật bảo vệ, bởi đây là hoạt động kinh doanh trái phép. Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến cáo, thực tế hiện nay vẫn còn có trường hợp DN thực hiện huy động vốn bằng tiền ảo. Theo NHNN, việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. NHNN không chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ cũng như là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Đồng thời khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo.
Đầu tháng 5/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có quyết định thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo. Tổ nghiên cứu có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Theo nhận định của các chuyên gia, rất có thể hành lang pháp lý sửa đổi tới đây sẽ đưa ra chế tài xử phạt chặt chẽ hơn với các hoạt động huy động vốn hoặc giao dịch bằng tiền ảo. |