Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa, tính từ ngày 23/2 đến nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại hơn 10.000 hộ của gần 1.500 thôn; 405/635 xã của 27 huyện, thị xã, thành phố Thanh Hoá, buộc phải tiêu hủy 82.577 con lợn, với trọng lượng hơn 6 tấn. Trong đó, đã có 6 huyện gồm: Thường Xuân, Mường Lát, Ngọc Lặc, Quan Hóa, Bỉm Sơn, Quan Sơn công bố hết dịch; 217 xã, phường, thị trấn dịch đã qua 30 ngày chưa phát sinh trở lại.
Tuy nhiên, đến ngày 9/9, toàn tỉnh đã có 51 xã, phường, thị trấn của tỉnh và huyện Bá Thước dịch tái phát trở lại.
Ảnh minh họa.
Theo đánh giá của cơ quan thú y địa phương, tháng 5 và 6/2019 là thời điểm cao điểm của DTLCP tại Thanh Hóa. Đến tháng 7/2019, đầu tháng 8 dịch bắt đầu có dấu hiệu giảm dần. Riêng trong tháng 8/2019 tổng số xã, số thôn, hộ chăn nuôi phát sinh dịch và số lợn mắc bệnh tiêu hủy cũng giảm so với tháng 7/2019.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong 10 ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 có chiều hướng tăng mạnh, số lượng hộ chăn nuôi và số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy hàng ngày tăng lên đột biến (từ 200 -300 con/ngày lên 500-600 con/ngày) trong cuối tháng 8.
Trong 9 ngày đầu tháng 9/2019 diễn biến dịch càng phức tạp, số lượng lợn mắc bệnh tiêu hủy hàng ngày tương đương với tháng cao điểm nhất của dịch bệnh (6/2019) với số lợn tiêu hủy trung bình 980 con/ngày (tháng 6 trung bình tiêu hủy 933 con/ngày).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa, nguyên nhân của đợt bùng phát dịch trở lại lần này do công tác tiêu hủy, công tác xử lý vệ sinh tiêu độc ổ dịch không bảo đảm quy trình, không đúng quy định làm phát tán dịch bệnh. Công tác quản lý vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn khó kiểm soát, sản phẩm lợn nhiễm bệnh ra thị trường tiêu thụ, hoặc hoạt động đi lại của các thương lái không được tiêu độc khử trùng chặt chẽ làm phát tán dịch bệnh.
Để hạn chế dịch lây lan và bùng phát trở lại, các địa phương phải tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán lợn giống trên địa bàn; nghiêm cấm việc người dân tự ý mua, bán lợn giống chưa qua kiểm dịch; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, thịt lợn từ vùng dịch ra ngoài. Người chăn nuôi không tái đàn hoặc hạn chế tái đàn khi DTLCP chưa được khống chế; tuyệt đối không sử dụng thực phẩm thừa để chăn nuôi lợn khi chưa qua xử lý nhiệt. Người dân ở vùng dịch nên đầu tư chăn nuôi gia súc, thủy cầm phù hợp với điều kiện của mỗi gia đình, vùng miền, bảo đảm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.