Ngày 2/7, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre cho biết trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm. Đây là địa phương cuối cùng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị dịch bệnh tấn công và là tỉnh thứ 61 trên cả nước nhiễm dịch bệnh này.
Ảnh minh họa.
Trước đó, đàn heo của gia đình ông Nguyễn Văn Tiễn (xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) phát hiện hai con heo nái có dấu hiệu bỏ ăn, bị bệnh nghi dịch tả heo châu Phi. Ngay khi nhận được tin báo của người dân, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre đã xuống kiểm tra, xác minh và lấy mẫu, sau đó gửi mẫu đến Chi cục Thú y vùng 6 kiểm nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.
Sáng 2/7, lãnh đạo Chi cục thú y Vùng 6, Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả heo châu Phi tỉnh Bến Tre cũng đã đến trực tiếp hiện trường để xử lý ổ dịch.
Tỉnh Bến Tre có tổng đàn heo gần 600 ngàn con, là một trong những địa phương có tổng đàn lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tỉnh Bến Tre đã thành lập 10 chốt kiểm dịch để kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc; ngăn chặn dịch lây lan; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền người dân vệ sinh khu vực chuồng trại chăn nuôi của gia đình, không cho người lạ vào khu vực chăn nuôi và nghiêm túc thực hiện nguyên tắc “5 không” trong phòng, chống dịch bệnh.
Ngày 27/6, Thủ tướng đã ban hành chính sách hỗ trợ người chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy do dịch tả châu Phi. Theo đó, heo con, heo thịt các loại được hỗ trợ 25.000 đồng/kg heo hơi; heo nái, heo đực đang khai thác được hỗ trợ 30.000 đồng/kg heo hơi...