Theo ông Châu, chiều ngày 21/6, hai hộ dân là bà Nguyễn Thị Phượng và ông Nguyễn Lượng (thôn An Bình, xã Liên Hiệp) phát hiện trong đàn heo của gia đình có một số con có dấu hiệu bị bệnh heo châu Phi nên đã báo cáo chính quyền địa phương.
Ngay sau đó, huyện Đức Trọng đã tiến hành lấy mẫu gửi cơ quan chức năng xét nghiệm xác định nguyên nhân heo bị chết. Đến chiều ngày 22/6, Chi cục Thú y vùng V thông báo kết quả các mẫu xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ảnh minh họa.
Sau đó thêm 12 đàn lợn của các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Liên Hiệp xuất hiện lợn chết với các triệu chứng tương tự. Tổng đàn của 13 hộ này gần 3.400 con, hiện đã có 82 con lợn bị chết, phải tiêu hủy.
Hiện nay, địa phương đang thực hiện các bước tiêu độc, khử trùng cho trang trại lợn phát hiện dịch. Song song với đó hai chốt kiểm dịch động vật tại điểm đầu xã (thôn An Hiệp) và điểm cuối xã (thôn An Tĩnh) nằm trên quốc lộ 27 cũng được tăng cường giám sát.
Ông Nguyễn Văn Châu cho biết, xã Liên Hiệp là địa bàn trọng điểm về nuôi heo của huyện Đức Trọng với 27.300 con. Trong khi đó huyện Đức Trọng có tổng đàn heo lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với gần 90.000 con heo. Các địa phương khác có số lượng heo lớn lần lượt như Lâm Hà (80.000 con), TP Bảo Lộc (59.000 con), huyện Di Linh (29.000 con)… cũng đang tích cực các biện pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi.
Huyện Đức Trọng đang thử nghiệm phương pháp tiêu hủy lợn dịch bằng cách đốt.
Theo thông tin mới nhất từ Cục Thú y, thống kê tính đến ngày 25/6 (sau gần 5 tháng phát hiện ổ dịch đầu tiên), bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 4.401 xã, 459 huyện của 60 tỉnh, thành phố. Số lợn bị tiêu huỷ do dịch bệnh hiện lên tới trên 2,8 triệu con.
Đã có 359 xã thuộc 138 huyện của 29 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.