Thứ 6, 22/11/2024, 06:50 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Tạo khan hiếm giả thịt heo và “trách nhiệm” của những ông lớn!

Tạo khan hiếm giả thịt heo và “trách nhiệm” của những ông lớn!
(Tieudung.vn) - Những ngày qua, xã hội tán loạn lên vì thịt heo bị “thổi giá” cao chót vót. Ai là người gây ra chuyện này thì chưa rõ, nhưng đã xuất hiện bóng dáng của nạn đầu cơ. Hậu quả gây ra cho nền kinh tế là vô cùng lớn, có thể đẩy lạm phát trong quý 1/2020 lên trên 4%.

Cách đây chưa lâu, chúng ta từng giải cứu thành công , để giúp người chăn nuôi khỏi bị phá sản và bán chuồng trại. Khi đó, các tỉnh thành, các hội đoàn thể và người  đã tích cực tham gia giúp sức. Ngay cả tại nghị trường, Thủ tướng cũng lưu tâm đến chuyện nhanh chóng giải cứu thịt heo, không để người chăn nuôi đơn độc, bế tắc...

Khi lòng tham dẫn đến vô ơn!

Thủ tướng lại vừa phát biểu trên truyền hình quốc gia là thịt heo có thiếu nhưng không đến mức “khủng hoảng” giá như thế. Vậy mà có kẻ đã đẩy giá thịt heo lên ở khắp nơi. Nó nóng đến mức, một kg thịt heo người ta có thể đổi được khoảng 40 kg thóc! Cho nên, đang cần tiếng nói nhân văn, nhất là trong kinh tế , để kìm hãm lại “cơn bão” giá thịt heo, kìm hãm lại bản chất của những kẻ đầu cơ tham lam, lười biếng, ích kỷ, chỉ hám lợi và hám danh...

Mô tả ảnh
Tạo khan hiếm giả thịt heo để đẩy giá thành lên cao và “trách nhiệm” của những ông lớn!

Cần biết rằng, con người là nền tảng của các chuỗi giá trị, là động lực phát triển của xã hội, nhưng đó phải là những con người nhân văn và đầy trách nhiệm. Tuyệt nhiên, xã hội không cần đến những kẻ sẵn tư duy của kinh tế “vụ mùa”, ích kỷ và vô ơn. Chỉ vì lòng tham, những kẻ đầu cơ đã sẵn sàng gây ra xáo trộn cuộc sống cho bao người! Thực tế đã xảy ra chuyện găm thịt lợn để tăng giá; Như ở Bắc Giang, Hưng Yên, giá lợn trên 100.000 đồng/kg nhưng người chăn nuôi vẫn chưa bán.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, nguyên nhân giá thịt lợn tăng mạnh một phần là do ảnh hưởng của Dịch tả lợn Châu phi lây nhiễm vào Việt Nam từ đầu năm 2019. Dịch bệnh này đã lan rộng và bùng phát trên phạm vi toàn quốc từ cuối tháng 06/2019. Số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn cùng với việc không thể tái đàn ở các vùng dịch trong những tháng tiếp theo do dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam chưa được khống chế, chưa có vắc xin chống dịch đã tác động lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước (đặc biệt cho giai đoạn từ cuối tháng 9 đến nay).

Tổng cục thống kê cũng cho biết, đàn lợn cả nước tháng 11/2019 giảm mạnh 22% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng. Thêm nữa, việc kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh hạn chế lưu chuyển lợn thịt và thịt lợn giữa các địa phương để tránh lây lan dịch bệnh đã gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương. Điều này đẩy giá thịt lợn tăng cục bộ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Vì vậy, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nguồn cung giống cũng giảm nên việc chăn nuôi lợn đòi hỏi chi phí rất cao cho cả giống, các biện pháp phòng dịch cho chuồng trại, chi phí kiểm dịch thú y... cũng làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt lợn. Nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng trong khi đó một bộ phận người chăn nuôi và nhà sản xuất giữ hàng lại chưa bán chờ giá tăng cao hơn.

“Trách nhiệm” của những ông lớn

Xét về tổng lượng thịt các loại trong năm 2019, ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1%. Tuy nhiên, thịt lợn là mặt hàng thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm, sản lượng thịt lợn giảm 380 nghìn tấn, tương đương từ 9-10% so với năm 2018 cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước.

Qua khảo sát, giá heo hơi hôm nay (27/12) ở mức 100.000 đồng/kg tại miền Bắc. Trong khi đó, tại miền Trung và Nam, giá heo hơi nhiều nơi giảm sâu hơn, khoảng 2.000-5.000 đồng/kg, quay về mức 90.000 đồng/kg. Đây là tín hiệu đáng mừng, sau nhiều nỗ lực của ngành chức năng…

Nhưng để câu chuyện “khủng hoảng thịt heo” không lập lại và xảy ra với những ngành chăn nuôi khác, các ngành chức năng như: Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với doanh nghiệp chăn nuôi đầu ngành, để chủ động nguồn cung cấp, dự trữ và quỹ bình ổn; Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp này tham gia phát triển chuỗi cung ứng, chống thụ động, chống nạn đầu cơ, tạo “khan hiếm giả” gây ra tình trạng “bão giá” trên thị trường.

Đó cũng là một phần trách nhiệm và nghĩa vụ của các “ông lớn” trong ngành chăn nuôi như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam; Công ty TNHH Cargill Việt Nam; Công ty Japfa Việt Nam; Công ty Proconco; Dabaco Việt Nam; Công ty CP thức ăn chăn nuôi Việt Thắng; Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP; Công ty Cổ phần GreenFeed Việt Nam; De Heus Việt Nam; Công ty Cổ phần Mavin Austfeed... 

Có như vậy, thị trường mới ổn định, không để những kẻ gian thương lũng đoạn giá!

Tags:
4.7 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan
Tỷ giá
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.41192 sec| 824.852 kb