Cơ chế bảo vệ người tiêu dùng còn quá phức tạp
Đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) đề nghị, xuất phát từ tầm quan trọng đặc biệt dự án luật cần phải được nghiên cứu xây dựng, bổ sung rất đầy đủ, chặt chẽ các nội dung có liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Về nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng dự kiến quy định tại Khoản 3, Điều 4 đại biểu đề nghị cần bổ sung và biên tập là “bảo vệ người tiêu dùng phải được thực hiện từ sớm và phải bảo đảm kịp thời, công bằng, minh bạch, đúnh pháp luật”. Theo đó, nội dung của dự án luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước, của cá nhân trong việc giám sát, phát hiện, ngăn chặn hành vi sản xuất hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, nhất là đối với các loại hàng hóa như lương thực, thực phẩm mà người tiêu dùng sử dụng hàng ngày. Đưa các quy định này vào dự án luật để đảm bảo về mặt pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người dân trực tiếp giám sát, phát hiện, ngăn chặn hoặc kiến nghị ngay đến cơ quan chức năng để ngăn chặn việc sản xuất hàng hóa không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn với mục đích bảo vệ sớm và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Đại biểu Phạm Đức Sơn (đoàn Hà Nội) thẳng thắn nêu ý kiến, các tổ chức, cá nhân kinh doanh vẫn trưng khẩu hiệu “Khách hàng là thượng đế” nhưng chỉ “thượng đế” khi mua hàng thôi nên phải sửa luật để bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng (người tiêu dùng).
Theo Đại biểu, đôi khi người tiêu dùng nghĩ những phản ánh về chất lượng hàng hóa của mình là nhỏ nên không lên tiếng nhưng nhiều người cùng gặp hiện tượng tương tự thì vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng. Trong khi đó, cơ chế bảo vệ người tiêu dùng hiện quá phức tạp, chưa tạo điều kiện cho người tiêu dùng phản ánh. Do đó, công sức bỏ ra khiếu nại mất gấp nhiều lần ích lợi nhận lại được.
Còn Đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) thông tin, qua tham gia giám sát ở địa phương thì thấy vai trò của Hội Bảo vệ người tiêu dùng ở địa phương và Trung ương rất yếu. Hiện nay, các phương thức giải quyết tranh chấp chủ yếu là hòa giải thương lượng nên vai trò của hội rất quan trọng trong quá trình này. Toàn quốc mới có 55 tỉnh có hội nhưng chưa thực sự được quan tâm từ địa phương, kinh phí khó khăn, cơ chế đảm bảo nguồn lực cho hội khá hạn chế.
Cùng quan điểm, Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho biết, hiện nay, hoạt động của các Hội Bảo vệ người tiêu dùng còn nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là vấn đề cơ chế bảo đảm kinh phí, nguồn lực... Bên cạnh đó, chưa có những cơ chế phối hợp và huy động sự tham gia trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp như Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh.
Do đó, Đại biểu Ngọc đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho MTTQ và các và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội; cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể tham gia hoạt động bảo vệ người tiêu dùng.
Cần bảo đảm chất lượng hàng hóa trong thương mại điện tử
Là một trong 7 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội mới đây đã tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm các khái niệm về giao dịch đặc thù thật sự rõ ràng, mạch lạc, đặc biệt là các hình thức bán hàng trực tiếp.
Đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung hợp đồng theo mẫu đối với giao dịch qua môi trường điện tử, nền tảng thương mại điện tử và giải quyết tranh chấp trực tuyến đối với các giao dịch tiêu dùng giá trị nhỏ và giao dịch điện tử vì các giao dịch qua môi trường điện tử, nền tảng thương mại điện tử có đặc thù riêng.
Vần đền bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử được nhiều đại biểu quan tâm
Ý kiến khác cho rằng, một số quy định trong dự thảo Luật chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh, tiêu dùng có tính “truyền thống” mà chưa tính đến mô hình kinh doanh có yếu tố mới, công nghệ mới hoặc trong điều kiện chuyển đổi số.
Vì vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh, cần nghiên cứu bổ sung quy định phù hợp với nền kinh tế số, môi trường kinh doanh số để bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử.
Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể và rõ hơn, nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa khi giao dịch trên môi trường không gian mạng, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các bên, xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh; bổ sung các quy định về việc giao dịch trên môi trường mạng cần áp dụng tiêu chuẩn, kỹ thuật liên quan.
Về các giao dịch đặc thù giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, có ý kiến đề nghị tách hình thức bán hàng đa cấp ra khỏi bán hàng trực tiếp vì bán hàng đa cấp không phải là hình thức bán hàng trực tiếp.
Hơn nữa, cần điều chỉnh riêng hình thức bán hàng đa cấp vì đây là hình thức ngày càng phát triển, có nhiều yếu tố tiềm ẩn vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.