Giá rẻ hơn tới 70%
Những can chất lỏng với đủ loại màu được quảng cáo dùng để rửa chén bát, chất tẩy rửa đồ sành sứ không khó tìm ở các con phố như Ngọc Khánh (Ba Đình), phố Hàng Gà (Hoàn Kiếm), Nam Dư (Hoàng Mai) và ở rất nhiều cửa hàng tạp hóa, chợ dân sinh. Đó là những can chất lỏng không nhãn mác, có màu xanh, đỏ, vàng hoặc trắng đục. Vỏ can chủ yếu được tái sử dụng từ những can dầu ăn hoặc can đặc dụng có dung tích thường 5 l lít, 10 lít, 15 lít hoặc 20 lít.
Theo ghi nhận của PV, loại chất lỏng này được bán tới tay người tiêu dùng với giá chỉ dao động trong khoảng 20.000 – 30.000 đồng/5 lít. Một số điểm bán sỉ, khách mua nhiều còn tặng kèm khuyến mại, tính ra, giá chưa tới 7.000 đồng/lít. Nếu đem so sánh với những loại nước rửa chén bát có thương hiệu được bán trên thị trường thì chúng có giá rẻ hơn khoảng 70% giá các loại nước rửa chén, bát có thương hiệu đang bán trên thị trường.
Nước tẩy rửa bán công khai ở nhiều vỉa hè. |
Trên phố Hàng Gà, nước rửa bát, loại dung dịch được quảng cáo là “nước tẩy Javen” được bày la liệt trên vỉa hè. Tất cả những chai, can này đều không có bất kỳ một tem mác nào. Người bán hàng ở đây mời chào: “1 chai 30.000 đồng, chai xanh với vàng là nước rửa bát, như nhau hết, chỉ khác nhau mùi hương. Chai trắng là nước tẩy”.
Qua tìm hiểu, thường loại nước rửa không xuất xứ này có 3 màu, chất lượng 3 loại như nhau, “chỉ có cái khác màu, ai thích màu nào thì mua màu ấy”. Các dung dịch này tùy màu mà có mùi khác nhau, nhưng chúng có mùi chung là thơm hắc khó chịu, ngửi lâu dễ nhức đầu.
Về chất lượng, đa số người bán đều giới thiệu sản phẩm mình bán là mặt hàng tốt, “nhiều bọt, dùng sạch mà tiết kiệm”. Nếu người mua tỏ ra băn khoăn về nhãn mác, cũng như thành phần, hầu hết người bán tỏ ra khó chịu, nhiều người còn thẳng thừng nói: “Chỉ là nước rửa thôi. Sạch và không ăn tay là được”.
Lãi gấp đôi
Một điểm bán nước tẩy rửa không nhãn mác trên phố Hàng Gà. |
L. tiết lộ chỉ cần bỏ ra 300.000 đồng mua nguyên liệu có thể sản xuất được 100 lít. Như vậy, loại nước rửa bát tự chế được bán trên thị trường, nếu chưa tính công, giá trị chỉ 3.000 đồng/lít. Nên, loại nước rửa này chỉ bán giá rẻ 6.000 đồng/lít đã thu về gấp đôi số vốn bỏ ra cho người làm.
L. cho biết, cũng từ các nguyên liệu “gia truyền” thu mua về ở các chợ hóa chất, tùy vào cách pha chế mà cùng hỗn hợp này, người bán có thể cho ra nước rửa chén, hoặc ... bột thông tắc bồn cầu(?)
L. tự hào đã “truyền bá” công thức này cho không ít lao động tỉnh lẻ đến Hà Nội mưu sinh, giúp họ có công ăn việc làm ổn định. Chi phí cho việc truyền công thức là 5 triệu đồng. L. bảo: “ chỉ 3 ngày là thạo”.
Các hóa chất, mà những người trong nghề như L thường gọi là “bột tẩy” là những hỗn hợp của chất tạo bọt, chất cô đặc, chất tẩy, hương liệu và phẩm màu. Theo lời kể của L., loại hóa chất này, có thể dễ dàng mua tại các cửa hàng hóa chất trên phố cổ Hà Nội: Hàng Hòm, Hàng Mành, Hàng Buồm. Nếu sản xuất với số lượng lợn, người làm có thể nhập tận gốc tại một số cửa khẩu phía Bắc. Những loại chất này có giá rất rẻ, điển hình như chất tạo bọt chỉ hơn 20.000 đồng/kg, chất tẩy hơn 10.000 đồng/kg. Với cơ sở sản xuất của L. chi phí sản xuất chưa đến 3.000 đồng/lít đã đem lại lợi nhuật rất lớn từ nhiều năm nay.
Với thực trạng trôi nổi chất tẩy rửa không nhãn mác trên địa bàn Hà Nội, Phòng Nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thừa nhận, thực tế rất khó để phát hiện các loại nước rửa bát, tẩy rửa tự chế trên thị trường. Hầu hết là do các cơ sở tư nhân tự pha chế thủ công mang bán trực tiếp cho hàng ăn, quán nhậu, cửa hàng rửa xe...
Thời gian qua, đơn vị đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm về sản phẩm bày bán không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, tịch thu và xử phạt theo giá trị sản phẩm. Chi cục Quản lý thị trường cũng thường xuyên đôn đốc, có văn bản chỉ đạo các Đội quản lý địa bàn rà soát, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh tình trạng nêu trên. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được đẩy lùi.
Nước rửa bát là lựa chọn của hầu hết gia đình để làm sạch đồ gia dụng. Tuy nhiên, để vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí, nhiều chủ cửa hàng, quán ăn đã chọn những loại nước rửa bát không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc. Chi cục Quản lý thị trường cũng khuyến cáo người dân nên sử dụng những thương hiệu đã được cơ quan chức năng kiểm định.
Hậu quả khó lường ThS. Mạc Văn Hoàn, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, cảnh báo, nếu trộn các loại nguyên liệu với nhau sẽ có những phản ứng hóa học phát sinh độc tố. Cụ thể, thành phần trong nước rửa bát cần dùng màu thực phẩm nhưng vì lợi nhuận, nếu thay bằng màu công nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dùng. Hoặc việc lạm dụng quá đà chất soda, loại chất tẩy cực mạnh có tính nhờn, sẽ làm bục vải, giấy và ăn mòn da. |