Theo ghi nhận trên các phương tiện truyền thông, có rất nhiều người nổi tiếng thường đi quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm chức năng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thuốc Đông y,… Tuy nhiên, việc kiểm chứng chất lượng sản phẩm, sự an toàn cho người tiêu dùng lại bị các nghệ sĩ xem nhẹ hoặc lờ đi. Và hơn hết, sự góp mặt của những nghệ sĩ này lại chiếm ưu thế trong quyết định mua sắm của nhiều người, nhưng chính các quảng cáo thông tin sai lệch, mập mờ và các sản phẩm kém chất lượng khiến các nghệ sĩ hứng chịu không ít phản ánh trái chiều từ dư luận trong thời gian qua. Vậy, các nghệ sĩ này đã làm gì khiến cộng đồng mạng đã phải “một phen” dậy sóng như vậy?
Nhiều nghệ sĩ lựa chọn quảng cáo online là "nghề tay trái" (Ảnh chụp màn hình)
Hàng loạt nghệ sĩ quảng cáo hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng
Mới đây, hàng loạt nghệ sĩ lớn được điểm tên đến như NSND Hồng Vân, NSND Vân Dung, NSND Minh Hằng, diễn viên Thanh Hương bị tố cáo khi quảng cáo về viên sủi làm tan u nang, u xơ, ngăn ngừa ung thư với nguyên liệu chính là sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, viên sủi này lại không phải là thuốc chữa bệnh, chỉ là một loại thực phẩm chức năng nhưng có công dụng như một “thần dược” có thể chữa được bệnh nan y của các nghệ sĩ này.
Hay trước đó là câu chuyện hàng loạt những người nổi tiếng như Ngọc Trinh, Nam Thư, Kiều Minh Tuấn, Gin Tuấn Kiệt,… gây tranh cãi bằng việc đăng tải thông tin quảng cáo về đồng tiền ảo (cryptocurrency) ít tên tuổi, không rõ nguồn gốc lên mạng xã hội mà trước đó những người này chưa từng bộc lộ sự quan tâm và hiểu biết về các đồng tiền ảo.
Trước những phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng về những thông tin quảng cáo tràn lan, nhiều nghệ sĩ chọn cách lặng lẽ xóa những bài đã quảng cáo mà không lên tiếng đính chính thông tin cho công chúng. Một số người khác như MC Quyền Linh, NSND Hồng Vân, diễn viên Nam Thư thì chọn cách lên tiếng nhận sai và xin lỗi công chúng về hành động quảng cáo sai sự thật của mình đã gây ảnh hưởng đến xã hội.
Tuy vậy, nhiều cư dân mạng vẫn không đồng tình với những lời xin lỗi trên, họ cho rằng những hành vi sai phạm của các nghệ sĩ cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bởi hành vi lợi dụng sự nổi tiếng quảng cáo những sản phẩm không đúng thực tế để kiếm lợi riêng cho mình đã xảy ra thường xuyên và kéo dài nhiều năm, đây là hành động tiếp tay với kẻ xấu lừa dối người tiêu dùng. Vì thế, một cơ quan có thể đứng ra quản lý, xử phạt các hành vi sai phạm trên là vô cùng cần thiết.
Nhiều nghệ sĩ trẻ ồ ạt quảng cáo tiền ảo trong khi trước đó những người này chưa từng bộc lộ sự quan tâm đến lĩnh vực này (Ảnh nguồn Internet)
Vậy quảng cáo “online” hàng giả, hàng nhái có là hành vi cấm hay không?
Câu trả lời là có. Theo Luật Quảng cáo 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2018 thì quảng cáo không đúng, gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đều là hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo.
Một người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 80.000.000 đồng; đồng thời phải có hoạt động đính chính thông tin; tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi trên để khắc phục hậu quả (Điều 34, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo).
Ngoài việc bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi này gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì người tiêu dùng hoàn toàn có quyền khởi kiện nhà sản xuất cùng với người có hành vi quảng cáo sai sự thật đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Đặc biệt, nếu đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội Quảng cáo gian dối, chưa được xóa án tích mà còn tiếp tục vi phạm thì người vi phạm sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm và có thể phạt tiền lên đến 100 triệu đồng theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015.
Quyền Linh lên tiếng nhận sai và xin lỗi khán giả vì đã quảng cáo sản phẩm kém chất lượng (Ảnh nguồn Internet)
Cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt sai phạm trong hoạt động quảng cáo?
Đồng thời, căn cứ theo Điều 71 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với những hành vi quảng cáo sai sự thật như trên, sẽ là Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh; Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên phòng trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng; Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường; Chánh Thanh tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL).
Liên quan đến vấn đề quảng cáo của các nghệ sĩ, trả lời với báo chí, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTTDL, cho biết: “Các điều kiện bắt buộc khi quảng cáo những sản phẩm quảng cáo liên quan đến sức khỏe đã được quy định rõ. Theo đó, phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo trước khi thực hiện quảng cáo trên các phương tiện. Cụ thể, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công thương có trách nhiệm xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt.”
Trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển và chiếm ưu thế trong thị trường, nhờ đó mà ngành quảng cáo được phát triển mạnh mẽ, và đem lại nhiều lợi nhuận cao. Với một người nghệ sĩ ở vị trí càng cao, thì tiền cũng rất dễ kiếm bởi danh tiếng của họ cũng bao gồm cả lòng tin và sự yêu mến của đông đảo khán giả. Nếu như người nghệ sĩ chỉ đặt lợi ích của mình lên trên sức khỏe, sự tin tưởng của người tiêu dùng thì chính người này cũng đang đánh đổi danh tiếng, sự nghiệp của mình. Phải chăng đã đến lúc nghệ sĩ cần xem xét lại về đạo đức, trách nhiệm của mình với xã hội? Không chỉ vậy, đây cũng là lúc những người tiêu dùng biết tỉnh táo chọn lọc các sản phẩm, dịch vụ tốt, an toàn cho mình hơn, không thể quá tin vào thần tượng mà bỏ mặc đi sức khỏe của bản thân.
Tuy nhiên đến nay, nhiều nghệ sĩ đã thừa nhận quảng cáo chất lượng sản phẩm sai sự thật và đã đăng đàn xin lỗi người tiêu dùng...! Thế nhưng về vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, hiện chưa thấy các cơ quan chức năng có động thái xử lý, xử phạt những nghệ sĩ có hành vi quảng cáo sản phẩm lừa người tiêu dùng này?