Người tiêu dùng bị thiệt hại có thể yêu cầu nhà mạng cung cấp thông tin và đề nghị Hội Bảo vệ người tiêu dùng đại diện khởi kiện bảo vệ mình. Trong ảnh: khách hàng giao dịch tại một cửa hàng MobiFone ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Khi đó, ông Ngô Bách Phong, chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, khẳng định đang tiến hành các bước để khởi kiện các nhà mạng. Ông Phong nói:
- Nhiều năm qua, người tiêu dùng (NTD) bức xúc và phản ứng trước việc bị trừ tiền cho những dịch vụ giá trị gia tăng. Bức xúc nhất của NTD hiện nay là đột nhiên phải sử dụng các loại dịch vụ “trời ơi” dù không đăng ký, bị trừ tiền dù không có nhu cầu sử dụng.
Bản thân tôi cũng từng bị “gài” một số dịch vụ như vậy. Có lần nhà mạng gửi tin nhắn mời tham gia một dịch vụ, có hướng dẫn nếu không tham gia thì gửi chữ “Hủy” cho đầu số xxx, nhưng khi tôi thực hiện thì lại nhận tin nhắn “Bạn đã thực hiện sai cú pháp, đề nghị làm lại...”. Thật không thể hiểu nổi!
Đang tham khảo ý kiến luật sư
* Rất nhiều người cho biết việc khiếu nại với nhà mạng rất khó khăn và thường nhận phần thua thiệt vì nhà mạng cũng chính là “trọng tài”
Ông Ngô Bách Phong - Ảnh: Đ.THIỆN |
- Có thể rất nhiều NTD nghĩ như vậy. Trong bối cảnh nhà mạng với nhiều thiết bị chuyên dụng, chỉ cần bấm nút cũng biết thuê bao sử dụng như thế nào thì một người thường làm sao có thể tranh cãi khi gặp sự cố? Nhiều vụ việc được báo chí thông tin về những tranh cãi quanh số tiền phải trả cao bất thường.
Nguyên nhân có nhiều: mới mua sim đã trừ tiền, thanh toán cho những cuộc gọi nước ngoài dù chẳng hề quen ai, bị trừ tiền cho những dịch vụ “trời ơi”...
Trong một số vụ tranh chấp, chúng tôi nhận thấy rằng nhiều NTD chỉ “làm toáng lên” khi thấy số tiền phải trả tăng cao đột ngột. Một số ít âm thầm chịu đựng vì cho rằng kiện chẳng đòi được quyền lợi.
* Nhưng NTD nói họ không biết cậy ai để bảo vệ quyền lợi của mình?
- Theo tôi, cơ quan quản lý viễn thông cần thường xuyên tổ chức thanh tra theo phản ảnh của NTD.
Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP đang tham khảo ý kiến các luật sư để tổ chức khởi kiện tập thể về hành vi kinh doanh mà NTD không chủ động tham gia (vi phạm điều 8 và điều 10 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).
Cũng cần nhắc lại là hành vi này từng bị xã hội lên án nhiều năm trước, cơ quan nhà nước thanh tra xong nhưng gần như bị chìm xuồng, lâu lâu lại bùng lên những bức xúc. Đó là vì chưa bị xử lý tới nơi tới chốn, chưa đưa ra được giải pháp quản lý hiệu quả.
Cần nhiều cơ quan vào cuộc
* Vậy người dùng phải làm thế nào nếu muốn khởi kiện?
- Theo quy định của luật pháp, muốn khởi kiện, NTD phải thu thập thông tin, chứng cứ để chứng minh thiệt hại của mình. Điều này hiện nay khó thực hiện nhưng không phải là không thể, và xã hội cũng không thể để cho loại vi phạm này lộng hành. Đa số NTD cho rằng chính các nhà mạng đã tiếp tay cho doanh nghiệp nước ngoài “móc túi” người dân và phải có hành động đền bù.
Ở cấp độ quốc gia, cơ quan quản lý viễn thông và Bộ Công thương cần vào cuộc, thanh tra làm rõ vi phạm và có biện pháp đòi nhà mạng bồi thường cho NTD. Cách bồi thường có thể là trừ vào tiền thuê bao.
Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi NTD VN (Vinastas) cần đại diện NTD cả nước để khiếu nại các nhà mạng này. Trường hợp không thể làm rõ từng NTD bị hại thì phải yêu cầu bồi thường chung, bằng cách lập quỹ bồi thường để hỗ trợ hoạt động bảo vệ NTD.
Riêng tại thành phố, hội sẵn sàng tiếp nhận đơn khiếu nại của NTD để xử lý theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi NTD.
Ba dạng kiếm tiền của nhà mạng - Nguồn: ĐỨC THIỆN - Đồ họa: NHƯ KHANH |
Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM):
Các bộ chức năng phải có trách nhiệm
Cơ quan quản lý nhà nước, gồm Bộ Công thương, Bộ Thông tin - truyền thông phải có trách nhiệm khi để cho SAM Media và các nhà mạng ngang nhiên “móc túi” NTD.
Tuy nhiên, quy định về trách nhiệm của các bộ còn chung chung, khó áp dụng biện pháp chế tài cụ thể.
Về lâu dài, tôi nghĩ nên sửa các quy định theo hướng quy định trách nhiệm và biện pháp chế tài cụ thể cá nhân trong bộ máy nhà nước khi cá nhân đó không làm tròn trách nhiệm người quản lý, giám sát mà gây thiệt hại cho xã hội.
Cũng cần sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự theo hướng đơn giản hóa quy trình khởi kiện.
Cục Quản lý cạnh tranh lên tiếng
Cục Quản lý cạnh tranh (VCA) - Bộ Công thương cũng đã chính thức lên tiếng, trong đó khẳng định NTD chịu nguy cơ khi các nhà mạng đã tự động gửi tin nhắn và tự động đăng ký, kích hoạt cho NTD “dùng thử” các dịch vụ. NTD phải tự hủy, nếu không dịch vụ sẽ tự động gia hạn mà không cần sự cho phép.
Đặc biệt, VCA nêu thực tế ở VN việc đăng ký sử dụng một dịch vụ giá trị gia tăng thường sẽ kèm theo một số dịch vụ khác mà NTD không biết.
Ví dụ như khi đăng ký dịch vụ giá trị gia tăng 3G, NTD sẽ mặc nhiên đăng ký thêm dịch vụ dữ liệu di động. NTD nên nhắn tin để kiểm tra mình đang dùng loại dịch vụ gì (Viettel: TC gửi 1228; MobiFone: TK gửi 994; VinaPhone: TK gửi 123).
VCA lưu ý cần thiết NTD có thể liên hệ với tổng đài của các nhà mạng: Viettel là 18008198 (miễn phí) hay 19008198 (tính phí). MobiFone tổng đài 9090 (tính phí), 18001090 (miễn phí). VinaPhone là 9191.
Trong diễn biến mới nhất, đến ngày 29-9, cả bốn nhà mạng (VinaPhone, Viettel, MobiFone, Vietnammobile) có liên quan đến SAM Media “móc túi” NTD 230 tỉ đồng đều công bố chấm dứt hợp đồng với các công ty đối tác của SAM Media.
Đại diện MobiFone nêu từ vụ SAM Media đã xử phạt và chấm dứt hợp đồng với hơn 30 đối tác vi phạm quy chế hợp tác cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng. Đặc biệt, MobiFone khẳng định tới đây sẽ chế tài đối tác vi phạm bằng cách không phân chia doanh thu vi phạm để dành tiền hoàn cước khách hàng...
MobiFone nêu tới đây khách hàng sẽ được xác nhận trước khi sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng. Thông tin về dịch vụ đang sử dụng, cách thức hủy dịch vụ sẽ được gửi thường xuyên.
Chiều 29-9, VinaPhone cho hay đã và đang tiếp thu phản ảnh của khách hàng, rà soát và giảm trừ cước trong các trường hợp phản ảnh của khách hàng là đúng.
VinaPhone công bố thiết lập đường dây nóng 9191 để tiếp nhận những phản ảnh của khách hàng về việc đăng ký các dịch vụ không mong muốn.