Không phải người quá xem trọng chuyện ăn uống, đồ ăn có ít một chút không sao nhưng nhìn mớ dây vải dùng để cột cua chiếm hơn 1/3 trọng lượng, vợ chồng anh Triều không khỏi kinh khiếp. Mớ cua anh mua ngày 8/1/2017 tại chợ Tân Sơn Nhất, Gò Vấp có tổng cộng 3 sợi dây vải to trên một con cua.
“Cách đây 10 năm, chỉ có sợi dây nilon để cột cua. Giờ đã là 3 sợi dây vải. Rồi hai năm nữa sẽ là 5 sợi dây vải và bốn năm nữa sẽ là 7 sợi dây vải. Lúc đó, sợi dây nặng sẽ hơn con cua? Con cháu chúng ta hẳn sẽ "bái phục" về độ trơ trẽ của ông bà chúng khi cột được nùi giẻ vào con cua”, lời bộc bạc hài hước mà cay đắng của anh Triều.
Mua 2,7 kg cua, anh Trần Triều ở TPHCM gỡ ra được 1 kg dây cột. Tính ra mớ dây vải này có giá 270 ngàn đồng. |
Bán cua “khuyến mãi” nùi dây cói, dây đay, dây vải nặng trịch phản cảm, vô đạo đức này là việc phổ biến ở các điểm bán cua dọc đường hay tại các chợ, ở TPHCM. Tiểu thương luôn lấy cớ cột cua cho chắc nhưng với thật ra chỉ cần một sợi dây vải mỏng, dây nilon hay sợi dây thun, dây dù là đã có thể khống chế mấy con cua. Cái lý của tiểu thương chỉ là để bao biện cho hành vi ăn bớt, ăn cắp của người mua.
Những sợi dây vải cột càng cua không chỉ ngày càng tăng về số lượng mà được tiểu thương chú ý nhất phần trọng lượng. Nhiều bà nội trợ mua cua về đều biết rõ những sợi dây cột được nhúng nước, thậm chí là nhúng vào bùn để cho nặng.
Chị Phan Thanh Nga, nhà ở Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức kể, lâu lâu chị mua cua về nấu cháo cho con mà vừa ăn vừa ức. Con bèo bèo cũng 5 - 6 lạng, khoảng 150 nghìn đồng nhưng chắc mất 50 nghìn đồng cho đống dây cột. Nhất là nhiều hôm dây cột còn được nhúng bùn nặng trĩu, chị muốn điên cả người, bỏ tiền mua giẻ rách đã đành, bùn dây vào rất khó làm sạch cua.
“Có lẽ chúng ta có những chiếc giẻ rách đắt nhất thế giới. Vì thế mà tôi rất ngại mua cua về ăn. Không biết người bán có hiểu rằng vì chiếc giẻ mà mình mất khách không”, chị Nga bộc bạch.
Anh Lập, một ông bố cho biết, anh về tận Cà Mau mua cua cũng gặp tình trạng mua cua kèm mớ giẻ. Có lần, gia đình anh không khỏi tởm lợm bỏ luôn cả mẻ cua vì chiếc giẻ được bà con dùng để cột cua là… chiếc quần lót của phụ nữ. Bản thân anh không hiểu nổi người dân mình có thể hành xử với nhau như vậy và từ đó anh “cạch” ăn, biếu, tặng hay bất cứ thứ gì liên quan đến cua.
Chỉ cần một sợi dây mỏng đã có thể cột cua nhưng giờ rất hiếm nơi ở TPHCM cột cua thế này. |
Theo chia sẻ của anh Trần Triều, có lẽ chúng ta đang vô địch thế giới về độ "quái thai" trong cách cột cua. Nùi giẻ đó không đơn thuần là nùi giẻ, nó tượng trưng cho hiện tượng gian dối công khai đến trơ trẽn, nó tượng trưng cho tính dễ dãi đối với cái xấu của người Việt, nó tượng trưng cho sự đua nhau làm cái xấu nếu thấy "không ai nói gì thì cứ làm thôi" của nhiều người.
“Một kg cua thịt giá 270 ngàn, trong đó có 1/3 trọng lượng nùi giẻ. Nếu không có nùi giẻ, có thể tăng giá lên thành 350 ngàn, vẫn sẽ có người mua, khi tất cả đồng loạt bỏ nùi giẻ. Như vậy, nếu bỏ 270 ngàn ra, người mua vẫn có được 2/3 kg cua, nhưng tránh được hai chuyện: lãng phí nùi giẻ và xấu hổ vì làm điều trơ trẽn. Người bán cần bán cua và người mua cần mua cua, chớ sao cái nùi giẻ tham gia vào câu chuyện này”, anh Triều đưa ra bài toán vừa có lợi cho người bán lẫn người mua cua.
Anh Triều cũng nói thêm rằng, đã đến lúc người mua không được đồng ý với cái nùi giẻ quái dị vô đối ngày càng to trên lưng con cua, nếu không đến một ngày ốc cũng cõng nùi giẻ.
Khi người bán còn u mê, bất chấp vì lợi nhuận thì người mua phải tỉnh. Nếu tiểu thương vẫn bán cua cột dây nặng trịch thì người mua có quyền từ chối không mua hoặc yêu cầu cân giẻ trừ tiền vì không lý do gì người dân phải bỏ tiền mua mớ giẻ rách thay cho thịt cua về nhà.