Giá trị dinh dưỡng của rươi nhiều đến mức nào?
Rươi là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Nguồn ảnh: Internet
Từ rươi, người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn đặc sắc và thơm ngon khó tả. Và tất nhiên, ngoài hương vị đơn thuần, món nào làm từ rươi cũng mang giá trị dinh dưỡng cao. Theo các chuyên gia, giá trị dinh dưỡng của rươi hoàn toàn không thua kém gì thịt bê non, với mỗi 100g rươi thì có đến 12.4g protid, 4.4g lipid, cung cấp cho cơ thể được 92 calo. Ngoài ra, rươi còn chứa nhiều loại muối khoáng quan trọng với sức khỏe như canxi, photpho, sắt, kẽm…
Cách chọn rươi tươi ngon
Nên chọn những con rươi còn ngọ nguậy, di chuyển, càng ngọ nguậy nhiều đồng nghĩa với rươi càng tươi. Đồng thời nên hãy chọn những con có kích thước to, mập mạp béo ú và có màu đỏ. Những con rươi như thế sẽ tươi ngon và an toàn hơn khi ăn.
Nên chọn những con rươi nằm phía trên, bởi đa số rươi phía dưới đã bị đè bẹp, vỡ bụng, rụng các chân tơ nên thường có mùi tanh, không còn ngon và không tốt cho sức khỏe.
Tránh chọn những con rươi nằm sâu bên dưới và có thân nhỏ nhắn, gầy ốm, cử động yếu ớt hoặc không còn cử động. Đấy là rươi chết hoặc sắp chết, sẽ làm ảnh hưởng đến mùi vị của món ăn.
Cách bảo quản rươi tươi ăn dần
Bước 1: Sơ chế rươi
Đây là việc làm quan trọng trước khi bảo quản rươi. Rươi sau khi mua về, bạn cho vào một chậu nước sạch rồi dùng tay hoặc đũa khuấy nhẹ nhàng để loại bỏ các chất bụi bẩn.
Sau đó, bạn rửa lại một vài lần với nước lạnh để đảm bảo cát và bụi bẩn được loại bỏ hết.
Lưu ý: Không rửa mạnh tay khiến rươi bị vỡ bụng, chết. Trong quá trình rửa, nên loại bỏ luôn những con rươi chết, kém chất lượng...
Bước 2: Làm sạch lông rươi
Sau khi làm sạch bằng nước lạnh, bạn vớt rươi ra rổ cho ráo nước rồi chuẩn bị 1 chậu nước sôi khoảng 40 độ C.
Bạn cho rươi vào chậu nước, khuấy nhẹ nhàng để làm sạch lông. Việc làm này sẽ giúp bạn không bị ngứa rát họng khi ăn.
Nếu cẩn thận, bạn có thể rửa vài lần nước sôi như thế để loại bỏ hết lông. Sau đó vớt rươi ra rổ cho ráo nước.
Bước 3: Bảo quản rươi
Sau khi rươi đã ráo nước, bạn cho rươi vào các hộp đựng thực phẩm chuyên dụng rồi đậy kín nắp và để vào ngăn đông của tủ lạnh.
Lưu ý: Không nên bảo quản rươi trong ngăn đông tủ lạnh quá lâu bởi có thể khiến chúng bị nhiễm vi khuẩn gây tiêu chảy hay một số bệnh đường ruột khác. Khi lấy rươi ra chế biến, nếu dùng không hết thì không cấp đông lại bạn nhé
Bước 4: Rã đông rươi
Khi muốn chế biến, bạn lấy hộp rươi ở ngăn đá để ở ngăn mát khoảng 1 đến 2 tiếng rồi mới chế biến.