Theo các chuyên gia y tế, thực phẩm an toàn nhất là còn tươi, được bảo quản trong môi trường phù hợp như tủ lạnh, tủ đông, tủ đựng thức ăn hay nhà bếp… Khi bạn mang thực phẩm đi dã ngoại, điều đó cũng có nghĩa những món đồ sẽ theo bạn trong hành trình dài nhiều tiếng đồng hồ ở ngoài trời.
Thời tiết nắng nóng hiện nay tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Do đó, người dân sẽ có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm nếu bảo quản thực phẩm không đúng cách.
Những bí quyết giúp bạn có được những bữa ăn an toàn khi bạn đi dã ngoại:
Làm sạch thực phẩm trước khi đi dã ngoại
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Người dân làm sạch thực phẩm sẽ dùng khi đi dã ngoại. Rửa kỹ trái cây tươi (kể cả những loại có vỏ) và rau dưới vòi nước chảy trước khi đóng gói vào hộp mát.
Người dân rửa tay trước khi chuẩn bị thực phẩm cho chuyến dã ngoại và trước khi ăn giữ tay sạch sẽ. Nếu không thể rửa tay tại địa điểm dã ngoại, chúng ta hãy dùng khăn ướt để lau tay; sau đó dùng chất khử trùng để làm sạch tay trước khi dùng thực phẩm.
Bảo quản lạnh đồ ăn
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, thời gian từ khi chuẩn bị món ăn đến khi ăn có thể bảo quản dài hơn bình thường khi đi dã ngoại. Vì vậy, người dân cần dành thời gian để các thức ăn cần mang đi trong chuyến đi dã ngoại nguội và giữ chế độ làm mát, như các loại: thực phẩm có hạn sử dụng, món ăn đã nấu chín, salad và bánh mì đã chuẩn bị sẵn, các sản phẩm sữa và các loại gia vị ăn liền (nước chấm, các loại nước xốt).
Người dân nên đặt những thực phẩm này vào hộp hoặc túi mát có chứa đá hoặc túi gel đông lạnh và ở nhiệt độ dưới 8°C để ngăn chặn vi khuẩn phát triển.
Gói đồ ăn còn lại trong chuyến đi dã ngoại để sử dụng tiếp sau chuyến đi
Sau khi người dân đã dùng xong bữa ăn ngoài trời cùng bạn bè và người thân, nếu không dùng hết lượng thực phẩm mang theo, bạn nên cho vào hộp giữ mát để bảo quản. Nếu thời gian không vượt quá 4 giờ và thức ăn vẫn còn đảm bảo nhiệt độ mát đủ an toàn thì có thể cho phần thức ăn này vào tủ lạnh. Nếu quá thời gian trên, nên vất bỏ vì thực phẩm có thể không còn an toàn.
Ngoài ra, TS Lê Ngọc Duy - Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, người dân, đặc biệt là trẻ em nên rửa tay sạch với xà phòng trước khi sử dụng đồ ăn uống; bảo quản đồ ăn thừa và các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh nếu chưa cần dùng đến; nấu thức ăn chín với nhiệt độ thích hợp và lưu trữ trong hộp sạch.