Thứ 2, 25/11/2024, 23:12 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Khu đô thị Đại Kim, Hà Nội: Dân sống khổ vì thiếu nước sạch

Khu đô thị Đại Kim, Hà Nội: Dân sống khổ vì thiếu nước sạch
(Tieudung.vn) - Trong gần một tháng qua, hàng ngàn hộ dân tại Khu đô thị (KĐT) Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội, đã phải mất tiền triệu mua nước không bảo đảm.

Người già mệt mỏi phát ốm vì phải thức đêm trực hứng nước, con trẻ không được tắm rửa phát … Điều đáng nói, mặc dù họ đã “gõ cửa” nhiều cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết và không biết khi nào mới thoát khỏi cảnh khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt.

Nóng chuyện nước

Có thể nói những ngày này đi đến đâu, trong KĐT Đại Kim, cũng nghe được câu chuyện liên quan đến việc thiếu nước sinh hoạt tại đây. Nhà nhà, người người sốt sắng hỏi thăm nhau về tiến độ giải quyết của các cơ quan chức năng liên quan. Nhiều hộ dân sốt ruột cứ chiều đến lại cùng ngồi họp bàn về việc làm sao để có nước sạch sử dụng.

Khi đơn vị cung cấp nước sạch chở bằng xe téc đến, người dân chia nhau từng xô nước.

Bà Đàm Thị Loan – Tổ trưởng tổ dân phố 2A cho biết, không phải đến bây giờ sự việc này mới xảy ra, mà thực tế tình trạng mất nước đã kéo dài từ tháng 6/2016. Đỉnh điểm là từ ngày 25/6 đến nay, nước sinh hoạt của các hộ dân tại khu nhà liền kề (gồm nhà B1, B2, B3, B4, B5) yếu dần rồi không chảy khiến sinh hoạt bị đảo lộn. Nhiều người mua nước tinh khiết đóng bình 20 lít giá từ 15.000 - 20.000 đồng/bình để sinh hoạt hằng ngày hoặc mua nước từ xe téc với giá từ 1 - 1,7 triệu đồng một xe khoảng 7m3. Anh Vũ Văn Chiến, nhà 47B2 cũng không giấu nổi bức xúc: “Với 7 khối nước gia đình tôi phải dùng dè dặt mới duy trì được 3 - 4 ngày. Như vậy, cả tháng gia đình tôi chi thêm 3 - 4 triệu đồng tiền nước. Giá mua đắt nhưng chất lượng nước này chưa đảm bảo vệ sinh. Nước xuất hiện tình trạng vẩn đục, mùi hôi tanh khó chịu nên gia đình không dám dùng ăn uống”. Tương tự, tại các tòa chung cư B15 và B9, dân phải xếp hàng như thời bao cấp để xách từng xô nước từ chiếc bể ngầm giữa sân lên các trên cao. Bể chứa nước thể tích 300m3 ngày nào cũng cạn trơ đáy, không thể bơm lên bể trên nóc tòa nhà để tới từng hộ dân. Mỗi nhà đành phải góp 50.000 đồng mua máy bơm hút nước từ đáy bể cho vào xô xách lên dùng tạm.

Trước thực trạng này, ngày 3/7, ông Trần Hữu Chúc – Chủ tịch UBND phường Đại Kim đã ký công văn đề nghị Công ty CP xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco) tăng áp lực nước sinh hoạt tại KĐT Đại Kim - Định Công và bố trí xe téc cung cấp nước. Ngay sau đó, ngày 4/7, Công ty Viwaco đã tiến hành bơm tăng áp và vài ngày bố trí chở đến cho người dân từ 2 - 4 xe téc chứa khoảng 5m3 nước. Tuy nhiên người dân cho rằng, đây chỉ là hình thức động viên vì lượng nước quá ít chỉ đáp ứng khoảng 1% nhu cầu.

Ngóng từng ngày trạm bơm hoạt động

Được biết, KĐT Đại Kim gồm 7 tổ dân phố, có khoảng 1.000 căn hộ thấp tầng và 3 tòa chung cư cao tầng với khoảng 4.000 dân. Hiện toàn bộ nước sạch của KĐT là do Công ty CP Viwaco cung cấp qua đồng hồ tổng DN150 trên đường Nguyễn Cảnh Dị, với lưu lượng trung bình hiện nay khoảng 1.300m3/ngày đêm. Còn chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Khai thác và Quản lý dịch vụ Đô thị và Thương mại (Hanhud) có trách nhiệm phân phối đến từng hộ dân.

Đại diện Công ty CP Viwaco cho biết, hiện nay, tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn quản lý của Công ty gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các khu vực cuối nguồn như phường Định Công, Đại Kim trong đó có KĐT Đại Kim. Nguyên nhân chủ yếu do áp lực trên tuyến ống truyền tải nước sạch Sông Đà – Hà Nội đã giảm khoảng 0,6m so với cùng kỳ năm 2016. Để đảm bảo việc cấp nước ổn định cho KĐT Đại Kim – Định Công, ngày 20/7/2016, Sở Xây dựng Hà Nội đã giao cho Viwaco đầu tư xây dựng trạm bơm tăng áp, bể chứa 400m3 và yêu cầu đơn vị vận hành đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước trong khu đô thị để phục vụ cấp nước hè 2017.

Sau khi làm hồ sơ cấp phép ngày 8/3/2017, Viwaco đã được UBND quận Hoàng Mai cấp phép xây dựng bể chứa và trạm bơm tăng áp tại vườn hoa nằm trên dải phân cách phố Nguyễn Công Thái. Trước thông tin này, hàng ngàn hộ dân ở KĐT Đại Kim vui mừng vì sắp được cung cấp nước sinh hoạt ổn định. Tuy nhiên niềm vui “ngắn chẳng tày gang” khi trạm bơm tăng áp chuẩn bị hoàn thành thì ngày 9/6, UBND quận Hoàng Mai lại có Công văn số 1496/UBND-QLĐT yêu cầu Công ty Viwaco tạm dừng thi công. Nguyên nhân đưa ra, theo ông Nguyễn Đức Hải - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, là do Trường Quốc tế Việt Nam ISV kiến nghị việc thi công trạm bơm tăng áp (diện tích 24m2) gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của khu vực và hoạt động giảng dạy của nhà trường.

Theo quan sát của phóng viên cũng như ý kiến của người dân, trạm bơm tăng áp và bể chứa được thi công tại dải phân cách giữa phố Nguyễn Công Thái hoàn toàn tách biệt với khuôn viên Trường Quốc tế Việt Nam ISV, nên lý do ảnh hưởng đến công tác giảng dạy của nhà trường, mỹ quan khu vực là không thuyết phục. Lý giải về vấn đề này, ông Vũ Xuân Bình – Bí thư chi bộ khu dân cư Đại Kim và Định Công 1 cho rằng, điều quan trọng nhất là sự thiếu sót của UBND quận Hoàng Mai và chủ đầu tư là Công ty Viwaco đã không xin ý kiến cộng đồng dân cư trong quy trình thực hiện , trong đó có Trường Quốc tế Việt Nam ISV, dẫn đến việc phản đối và phải tạm dừng thi công công trình.

Ngày 12/7, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai với đoàn đại biểu HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu đã hứa: "Sẽ đôn đốc các đơn vị là Viwaco, Phòng Quản lý đô thị quận sớm thực hiện đúng quy trình các thủ tục để hoàn thành và đưa vào sử dụng trạm bơm tăng áp phục vụ nước cho cư dân KĐT Đại Kim và khu vực". Hiện, người dân ở đây đang mong ngóng lời hứa của vị Chủ tịch quận được hiện thực hóa, giúp người dân ở đây thoát khỏi cảnh khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt kéo dài.
Tags:
3.8 19 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan
Tỷ giá
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.50161 sec| 835.781 kb