Một vụ ngộ độc tập thể tại Hải Phòng. |
Kết quả toàn thành phố đã có 8.727/17.745 cơ sở được thanh tra, kiểm tra. Trong đó 6.911 cơ sở đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm (chiếm 78,9%), phát hiện 22 loại sản phẩm không đúng với nhãn mác, xử lý 145 trường hợp vi phạm, phạt tiền 497,848 triệu đồng. Đình chỉ hoạt động đối với 22 cơ sở; cảnh cáo, nhắc nhở đối với 1.694 trường hợp vi phạm. Các nội dung vi phạm chủ yếu là về điều kiện cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ kinh doanh, về con người, ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, chất lượng sản phẩm thực phẩm, quy trình chế biến, bảo quản, nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu phụ gia thực phẩm, quy định về sử dụng chất cấm, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi…
UBND thành phố Hải Phòng đã có công văn gửi đến các Sở ban ngành và UBND các quận, huyện về việc thực hiện một số nhiệm vụ về quản lý an toàn thực phẩm. Trong đó yêu cầu tăng cường thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước theo phân công, phân cấp đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực và địa bàn phụ trách; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn tại các doanh nghiệp và khu công nghiệp, các nhà hàng kinh doanh ăn uống, tại các khu du lịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc.
Đồng thời phân công các cơ quan có liên quan để phối hợp tổ tập huấn, triển khai các văn bản pháp quy mới về an toàn thực phẩm, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và cho cán bộ tuyến huyện, xã. Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện trong quản lý cơ sở thực phẩm thuộc phân cấp quản lý đóng trên địa bàn. Tránh để xảy ra tình trạng ngộ độc đáng tiếc như một số đơn vị thời gian qua.