Theo các chuyên gia, để hài hòa lợi ích giữa ba bên - nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng - cần phối hợp các nhóm chính sách về ưu đãi thúc đẩy cạnh tranh, cắt giảm thủ tục hành chính, thuế… Chỉ khi chi phí giảm tối thiểu mới có thể giảm giá sản xuất và giá bán.
Gánh nặng cho EVN
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố điều chỉnh tăng giá điện thêm 4,8% từ ngày 11/10/2024, giá bán điện mới là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Cùng ngày, Bộ Công Thương cũng ban hành Quyết định số 2699/QĐ-BCT ngày 11/10/2024 quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện. Như vậy, kể từ đầu năm 2023, EVN đã 3 lần điều chỉnh giá điện và thực hiện trong thẩm quyền, với mức tăng 3% và 4,5% và 4,8%.
EVNHANOI tuyên truyền cho người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Ảnh: Khắc Kiên
Giá điện hiện nay được tính toán theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế là việc bán lẻ điện không theo kịp giá thành sản xuất đã tạo ra những thách thức lớn cho ngành điện trong việc duy trì đầu tư, phát triển và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Bài toán đặt ra hiện nay là làm sao điều chỉnh chính sách giá điện sao cho hợp lý và bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên tham gia thị trường điện.
Các chuyên gia cho biết, hiện giá điện bán ra thấp hơn so với giá thành sản xuất. So sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, giá điện bán ra của Việt Nam vẫn đang trên lộ trình "tính đúng, tính đủ giá điện" để bảo đảm ngành điện có thể phát triển bền vững.
Theo Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Thế Hữu, để bảo đảm khách quan, minh bạch về cơ cấu chi phí giá phát điện, bao gồm: chi phí phát điện, truyền tải điện, phân phối bán lẻ điện và phụ trợ quản lý ngành, các chi phí trên cùng với sản lượng điện thương phẩm và lợi nhuận định mức tạo nên giá điện bình quân, được quy định cụ thể tại Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg.
Báo cáo của EVN cho thấy, hiện nguồn cho điện giá rẻ như thủy điện giảm trong khi nguồn điện có giá đắt như điện than, điện dầu tăng cao. Mà nhu cầu điện của Việt Nam tăng xấp xỉ 10 - 11%... Trong bối cảnh đó, EVN cùng các đơn vị thành viên đã thực hiện một số giải pháp để tiết kiệm, tiết giảm, tối ưu hóa chi phí, như tiết kiệm 10 - 15% các chi phí định mức thường xuyên, tiết giảm 20 - 50% chi phí sửa chữa lớn.
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Công Thương) Nguyễn Tiến Thỏa cho hay, qua số liệu kiểm tra được công bố, giá thành điện đang diễn ra tình trạng mua cao, bán thấp. Tức là đầu vào theo thị trường nhưng đầu ra lại không quyết đủ theo các chi phí đã tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ trong quá trình sản xuất kinh doanh điện.
"Vấn đề là phải xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm cho giá điện minh bạch theo cơ chế thị trường. Căn cứ đầu vào thay đổi trong khoảng 3 tháng, EVN được phép điều chỉnh giá điện bao nhiêu phần trăm. Tuy nhiên, không phải EVN tính bao nhiêu cũng được mà có cơ chế, quy định của Nhà nước" - ông Nguyễn Tiến Thỏa bày tỏ quan điểm.
TS Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh cho hay, EVN đang bị đặt nhiều gánh nặng, thay vì chỉ sản xuất và cung ứng điện phải gánh 3 - 4 nhiệm vụ, trong đó hơn một nửa về an sinh xã hội. Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia hiện cũng tách ra khỏi EVN, nghĩa là trách nhiệm liên quan bảo đảm vận hành hệ thống tốt nhất có thể nên không thể đặt trên vai EVN như trước.
Trách nhiệm của EVN lớn nhất là làm sao phải ký kết những hợp đồng mua bán điện để thu hút đầu tư phát triển nguồn điện và trong tương lai là cả lưới điện. Hiện chi phí truyền tải của Việt Nam gần như không đáng kể cho cơ cấu giá thành điện. Đơn cử, việc xây dựng đường dây 500kV mạch 3 có nỗ lực rất lớn của EVN để đạt được được tiến độ nhanh nhất. Nhưng EVN có thể gồng được bao nhiêu với các dự án tương tự khi lỗ thường xuyên.
Hài hòa lợi ích 3 bên
Đưa ra giải pháp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho hay, đối với giá điện, phải tách bạch các nhóm chính sách. Để hài hòa hóa lợi ích giữa ba bên - nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng phải phối hợp các nhóm chính sách về ưu đãi thúc đẩy cạnh tranh, cắt giảm thủ tục hành chính, thuế… chi phí giảm tối thiểu mới có thể giảm giá sản xuất và giá bán.
Tương tự, để thúc đẩy cạnh tranh trong phân phối điện như là thúc đẩy cắt giảm chi phí ở mức hợp lý có giá bán điện phù hợp cho các bên. Còn nhóm chính sách đối với người tiêu dùng theo nguyên tắc đặt bài toán giá bán điện trung bình ít nhất bằng, hoặc lớn hơn giá mua vào thông qua người phân phối. Trong trường hợp những người nghèo, hoặc người có thu nhập thấp phải phối hợp với chính sách an sinh xã hội và trợ cấp, chứ không thể thực hiện như cách hiện nay.
Để thúc đẩy sản xuất điện, tiêu dùng, sản xuất xanh buộc phải có nhóm chính sách thúc đẩy tiêu dùng tiết kiệm điện về thuế, thúc đẩy áp dụng khoa học công nghệ, kinh tế tuần hoàn… biểu thang giá điện cũng phải thiết kế hợp lý để thúc đẩy tiêu dùng điện tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả.
Đưa ra quan điểm, ông Nguyễn Thế Hữu cho biết, quy định cơ chế điều chỉnh giá có lên, có xuống, có tăng, có giảm và thời hạn điều chỉnh trong 3 tháng. Như vậy mới tạo điều kiện cho việc điều chỉnh giá điện tiệm cận với sự thay đổi có yếu tố đầu vào, phản ánh sát với biến động chi phí.
Về dài hạn, TS Nguyễn Tiến Thỏa cho hay, cần nhanh chóng sửa cơ chế chính sách giá điện trong Luật Điện lực (sửa đổi). Với tầm nhìn dài hạn mới có thể xử lý được những yêu cầu đặt ra đối với một trong những vấn đề cốt lõi của ngành điện, đó chính là giá điện.
Cùng quan điểm, TS Hà Đăng Sơn cho rằng, căn cứ pháp lý, các chỉ đạo cụ thể của Nhà nước, lộ trình cải cách toàn bộ ngành điện lực với định hướng tiến theo mục tiêu Net Zero và phát triển bền vững của Việt Nam, phải cải cách giá điện. Trong trường hợp đó mới có được những định chế, nền tảng cơ bản để chuyển đổi, chuyển dịch năng lượng theo hướng đưa nhiều hơn nguồn điện "sạch, xanh" trong cơ cấu sản xuất điện.
"Rõ ràng chúng ta hoàn toàn có thể bán điện cho người dân với những giờ khác nhau, giờ này có thể bán cao, giờ kia có thể bán thấp. Cần nhìn vào mặt dài hạn để có cách thức điều chỉnh giá điện bảo đảm tính ổn định, nhưng vẫn phải tạo cơ hội cho DN tư nhân có lợi nhuận và động lực đầu tư" - ông Hà Đăng Sơn nói.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN lỗ 34.244,96 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 là 12.423,40 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan lĩnh vực năm 2023 của EVN (thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) lỗ 21.821,56 tỷ đồng (không tính thu nhập từ sản xuất khác). |