Cục quản lý Dược vừa cho phép nhập khẩu lại Salbutamol . |
Trước những lo ngại của các chuyên gia, ông Nguyễn Tất Đạt - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược khẳng định việc nhập Salbutamol là cần thiết, phục vụ nhu cầu sản xuất thuốc chữa bệnh.
Ông Đạt cho biết, ngày 20/11/2015, Cục Quản lý Dược đã có Công văn số 21590/ỌLD-KD về việc tạm dừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol làm thuốc nhằm tăng cường quản lý, tránh lạm dụng nguyên liệu sản xuất thuốc sử dụng không đúng mục đích.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay nhiều cơ sở khám, chữa bệnh thiếu nguyên liệu thuốc Salbutamol để điều trị bệnh, Cục Quản lý Dược đã nhận được hồ sơ đề nghị của các cơ sở sản xuất xin nhập nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol để sản xuất các loại thuốc cung ứng cho nhu cầu chữa bệnh của nhân dân.
Cũng theo Cục Quản lý Dược, nhiệm vụ của cơ quan quản lý là phải đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị bệnh cho người dân. Vì vậy, trên cơ sở đề nghị của các cơ sở sản xuất, và cân đối giữa lượng nguyên liệu Salbutamol còn tồn tại, Cục Quản lý Dược đã cấp phép cho 2 đơn vị nhập khẩu lượng nguyên liệu tối thiểu Salbutamol nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị trước mắt của người dân, đó là Công ty CP Dược Vacopharm và Công ty CP Dược phẩm Trung ương I (Pharbaco); mỗi đơn vị được phép nhập khẩu 50kg.
Liên quan tới công tác quản lý nguyên liệu Salbutamol sẽ được tiến hành ra sao để tránh việc sử dụng sai mục đích, tiếp tay cho đối tượng trộn Salbutamol vào trong thức ăn chăn nuôi, ông Đạt khẳng định: Nhằm tránh việc sử dụng nguyên liệu làm thuốc Salbutamol sai mục đích, Bộ Y tế đã tham mưu đưa nguyên liệu làm thuốc Salbutamol (cùng với các hoạt chất sử dụng làm thuốc nhưng bị cấm sử dụng trong các ngành khác) vào danh mục nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt quy định tại Luật Dược 2016.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Cục Quản lý Dược đã tích cực phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an) và các cơ quan liên quan tăng cường công tác hậu kiểm, chấn chỉnh và đã đưa hoạt động kinh doanh nguyên liệu làm thuốc Salbutamol vào kiểm soát chặt chẽ. Đến nay, các doanh nghiệp sản xuất thuốc, buôn bán nguyên liệu làm thuốc đã nghiêm túc thực hiện, đáp ứng đúng các quy định về sản xuất, kinh doanh nguyên liệu Salbutamol.
Song ông Nguyễn Tất Đạt cũng khẳng định, để tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng sử dụng nguyên liệu làm thuốc Salbutamol không đúng mục đích, Cục Quản lý Dược đề nghị Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49- Bộ Công an); Cục Chăn nuôi, Cục Thú y- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi và cơ sở sản xuất thuốc thú y không sử dụng nguyên liệu này trong chăn nuôi.
Salbutamol là thuốc dùng cho người với tên biệt dược là albuterol, Ibuterol… thuộc nhóm β-agonist (thụ thể beta) là nhóm chất được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh hen suyễn.
Salbutamol là một thụ thể β2 (thụ thể beta 2) tác dụng nhanh tạo Epinephrine, được sử dụng để làm giảm co thắt phế quản trong các bệnh như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Sabutamol được bán lần đầu tiên trên thị trường vào năm 1968, bởi Allen và Hanburys dưới tên thương phẩm Ventolin.
Tác dụng của Salbutamol lên động vật nuôi và người sử dụng salbutamol tích lũy trong thực phẩm thịt sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thông qua dây chuyền thực phẩm, gây ra các triệu chứng rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, co thắt phế quản, phù nề, run cơ, liệt cơ, choáng váng…