Cần trang bị kiến thức cho người chăn nuôi
Trước tình hình người chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc (gốc Beta-agonist) trong chăn nuôi lợn, gây hoang mang trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành chăn nuôi cả nước. Bộ NN&PTNT đã giao Cục Chăn nuôi phối hợp cùng Hội Chăn nuôi Việt Nam, Công ty cổ phần Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế và Công ty cổ phần Việt - Pháp sản xuất thức ăn gia súc, ký biên bản ghi nhớ hợp tác và vận động 100.000 hộ chăn nuôi lớn trong cả nước cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
“100.000 hộ chăn nuôi cam kết không sử dụng chất cấm” là chương trình vận động, nhằm nâng cao nhận thức của các hộ chăn nuôi về việc tuyệt đối không sử dụng chất cấm thông qua các hoạt động như: phổ biến các quy định nhà nước về việc sử dụng chất cấm, kêu gọi ký cam kết không sử dụng chất cấm và tổ chức nhiều buổi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi để giúp bà con chăn nuôi hiệu quả và an toàn
Chương trình được thực hiện từ ngày 20/4 đến 31/12/2016, ngoài nội dung chủ yếu trên, chương trình còn tổ chức chuỗi tập huấn phổ biến kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn, hiệu quả cho người chăn nuôi.
Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng có lộ trình kiểm tra liên tục từng tháng với quyết tâm chấm dứt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Các địa phương vào cuộc, tuyên truyền vận động các hộ chăn nuôi “nói không với chất cấm”. Bà con nông dân phát hiện hành vi vi phạm, tố giác qua đường dây nóng 08042526, 0917.808.113, hoặc địa chỉ: Thongtinvipham@mard.gov.vn…
"Dẹp" chất cấm trong chăn nuôi cần nhiều hơn sự hợp tác. |
Đây là những hoạt động thiết thực, gần gũi với bà con và hướng tới giải quyết vấn nạn chất cấm từ gốc rễ. Quan trọng nhất, chương trình này đã đáp ứng mong mỏi của các hộ chăn nuôi chân chính đồng thời góp phần lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội chăn nuôi Việt Nam nhận xét: “Cấm thì dễ nhưng phải hướng dẫn người chăn nuôi kiến thức để chăn nuôi lợn đạt hiệu quả cao thì mới giải quyết được vấn đề, để bà con tự giác không sử dụng chất cấm nữa.”
Nổi bật trong chuỗi các hoạt động là các lớp hội thảo tập huấn nhằm trang bị cho bà con kiến thức về chăn nuôi sạch, giúp tăng tỷ lệ nạc heo an toàn bằng cách lai tạo giống phù hợp, chăm sóc và dinh dưỡng tốt. Theo các chuyên gia, áp dụng tốt các kiến thức này sẽ giúp bà con thu được hiệu quả kinh tế cao và yên tâm để làm giàu chân chính, qua đó góp phần xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững.
Ngoài ra, việc ký cam kết không sử dụng chất cấm của mỗi hộ chăn nuôi là hành động thể hiện quyết tâm không “thỏa hiệp” với sai phạm, góp phần đẩy lùi triệt để vấn nạn chất cấm. Từ đó, mỗi người chăn nuôi trở thành nhịp cầu để lan tỏa ý nghĩa của chương trình đến hàng triệu hộ chăn nuôi khắp cả nước.
Để người nuôi, đơn vị sản xuất cùng tự giác hưởng ứng
Giữ vai trò tích cực trong chương trình vận động “100.000 hộ chăn nuôi cam kết không sử dụng chất cấm” không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức như Cục chăn nuôi, Hội chăn nuôi Việt Nam mà còn là sự đồng lòng của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu, tiêu biểu là ANCO và PROCONCO trực thuộc tập đoàn Masan Nutri-Science.
ANCO và PROCONCO tiên phong đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước, các hộ chăn nuôi và người tiêu dùng trong cuộc chiến chống chất cấm bằng việc đảm bảo sản phẩm của công ty không có chất cấm, thông qua quy trình kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng cám từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra. Đồng loạt từ đầu tháng 4 năm 2016, tất cả sản phẩm của ANCO và PROCONCO đều được in tem cam kết “không chất cấm” lên bao bì như một sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm an toàn cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, ANCO và PROCONCO luôn không ngừng cải tiến chất lượng và cho ra đời các sản phẩm mới như cám có bổ sung hệ men tiêu hóa Bio-zeemTM hỗ trợ tiêu hóa, hấp thụ dưỡng chất và tăng cường hệ miễn dịch nên giúp heo khỏe mạnh, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Cụ thể là người chăn nuôi dùng cám có Bio-zeem tiết kiệm đến 6% lượng thức ăn và heo xuất chuồng sớm hơn đến 12 ngày so với khi dùng cám thông thường.
Có thể nói, các hoạt động hỗ trợ và đồng hành cùng bà con của các doanh nghiệp ngành chăn nuôi như ANCO và PROCONCO đã góp phần tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trong thời kỳ hội nhập.
Đại tá Trần Trọng Bình - Cục phó Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an cho biết, theo các quy định mới của Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016, các hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi sẽ được xếp vào khung xử lý hình sự thay vì hành chính như trước. Bắt đầu từ ngày 1/7/2016, khung hình phạt tối đa cho tội vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể ngồi tù tới 20 năm. Cụ thể, trong BLHS năm 2015 quy định về các tội: Sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190); tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191); Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (Điều 317) quy định, các cá nhân, tổ chức sử dụng các hóa chất, phụ gia bị cấm trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi sẽ bị phạt hành chính từ 50 – 200 triệu, phạt tù từ 1 – 5 năm. Trường hợp nặng có thể bị phạt tiền 1 tỉ đồng, phạt tù 20 năm. Giải thích rõ hơn về điều này, ông Bình cho biết, trước đây, tội sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn có thể xử lý hình sự nhưng với quy định cấu thành vật chất, tức là phải gây ra hậu quả cụ thể mới đủ căn cứ xử phạt. Tuy nhiên, việc xác định hậu quả là vô cùng rắc rối và khó khăn. Bộ luật hình sự mới có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định, chỉ cần cấu thành hình thức, thay vì cấu thành vật chất như cũ là có thể có căn cứ để xử phạt. Tội sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý hình sự, cấu thành các tội liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Ông Phạm Tiến Dũng, Đội trưởng Đội thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đánh giá, sau khi Bộ luật hình sự (sửa đổi) có hiệu lực, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ giảm. Dù vậy, để đạt được hiệu quả như mong muốn, ngoài chế tài, phải có sự đồng bộ từ quy định, chính sách đến hoạt động tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra của lực lượng chức năng. Trong đó, việc tuyên truyền rất quan trọng, để người tiêu dùng hiểu rõ về chất cấm, lên án, tẩy chay đồng thời sẽ tham gia tố giác hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Hiện Bộ Y tế cũng đã kịp thời chỉ đạo đưa salbutamol vào danh mục “kiểm soát đặc biệt”, đồng thời đề xuất bổ sung các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (ví dụ như Salbutamol trong ngành chăn nuôi) vào danh mục “thuốc phải kiểm soát đặc biệt” của Luật Dược sửa đổi. |