Thứ 2, 17/06/2024, 17:09 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Cảnh báo 4 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất hiện nay

Cảnh báo 4 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất hiện nay
(Tieudung.vn) - Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) điểm lại 4 hình thức lừa đảo trực tuyến là: tạo mã giảm giá ảo trên mạng, ứng tiền thanh toán hộ, lừa đảo qua xuất khẩu lao động, làm hộ chiếu nhanh trên mạng, trong tuần (từ ngày 20/5 - 26/5) để người dân chủ động phòng tránh.

Tạo mã ảo trên mạng

Công an tỉnh Phú Thọ vừa bắt giữ nhóm đối tượng chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tiền khuyến mãi của sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee.

Kịch bản mà các đối tượng áp dụng là "Lập gian hàng ảo - Tuyển người chốt đơn mua hàng ảo - Tìm kiếm mã giảm giá - Áp mã giảm giá, yêu cầu sàn TMĐT đặt đơn mua hàng ảo - Đóng gói hàng hóa không đúng mô tả - Cấu kết thực hiện giao nhận hàng hóa ảo để tạo chứng từ giả lừa sàn TMĐT chuyển tiền khuyến mãi vào tài khoản của người mua hàng".

Tinh vi hơn, đối tượng tạo lập nhiều hội nhóm, Fanpage trên mạng để dẫn dụ những người thiếu hiểu biết về pháp luật tham gia chốt đơn hàng ảo cho chúng. Các đối tượng trong vai cả người bán lẫn người mua nhằm dựng lên những màn kịch mua hàng, nhận hàng để chiếm đoạt tiền của các sàn TMĐT.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân không nên mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội; không nghe trên các trang web khi không xác định được mức độ uy tín và sự an toàn. Chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được uy tín và đảm bảo người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác.

Cảnh báo 4 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất hiện nay

4 hình thức  lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất hiện nay. (Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin)

Ứng tiền thanh toán hộ

Theo lời kể của một nạn nhân tại Tây Hồ (Hà Nội), đối tượng dùng thủ đoạn mời chị ứng trước tiền ra thanh toán hộ công ty, bỏ ra nhiều tiền thanh toán đơn hàng thì được nhận % hoa hồng nhiều, bỏ ít thì được ít.

Sau đó, các đối tượng lừa chị đặt cọc thanh toán nhiều tiền, rồi nêu nhiều lý do như lỗi hệ thống, nhập sai thông tin... nhằm mục đích khiến chị không rút được tiền hoặc muốn rút ra thì phải đóng thêm. Đến lúc này, nạn nhân mới biết đã bị đối tượng lừa đảo, số tiền gần 4 tỷ đồng trong tài khoản đã bị chiếm đoạt.

Do đó, người dân tuyệt đối không vội vàng tin và làm theo bất kể điều gì mà đối tượng lạ hướng dẫn. Cần thực hiện xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đối tượng trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, đặc biệt là giao dịch chuyển tiền. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân dưới mọi hình thức.

Lừa đảo qua xuất khẩu lao động

Ngày 1/3/2024, Bộ LĐTB&XH Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã ký kết Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo Chương trình PALM (the Pacific Australia Labour Mobility).

Lợi dụng chính sách này, nhiều đối tượng lừa đảo đã thực hiện chiêu trò mạo danh doanh nghiệp được chính phủ lựa chọn, thu tiền trái phép của người dân.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ các chương trình xuất khẩu lao động trên mạng xã hội trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, đặc biệt là giao dịch chuyển tiền.

Tuyệt đối không đăng ký, nộp tiền cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Australia cho tới khi Bộ LĐTB&XH và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam công bố chính thức danh sách doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam, đơn vị sự nghiệp được lựa chọn tham gia Chương trình PALM và đơn vị được phía Australia lựa chọn thực hiện Chương trình.

Đối với những người dân đang có nhu cầu xuất khẩu lao động phải nắm rõ các thông tin, tìm hiểu thật kỹ lưỡng trước khi tham gia. Ngoài ra, người lao động cần tuyệt đối lưu ý, thông tin về chương trình trên sẽ được Bộ LĐTB&XH và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương.

Cảnh báo 4 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất hiện nay

4 hình thức  lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất hiện nay. (Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin)

Sập bẫy từ việc làm hộ chiếu nhanh trên mạng

Gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều trang, hội nhóm dịch vụ đăng tải các bài viết “làm hộ hộ chiếu" như “Dịch vụ làm hộ chiếu nhanh," “Làm hộ chiếu nhanh giá rẻ tại Hà Nội"... với mức chi phí phải trả cho các “dịch vụ nhanh” này cao gấp nhiều lần so với lệ phí theo quy định của Nhà nước.

Các đối tượng sẽ ghi số của mình hoặc ghi sai địa chỉ thường trú nhằm khai sai nội dung đề nghị cấp hộ chiếu, cản trở việc cán bộ Quản lý xuất nhập cảnh liên hệ với công dân khi cần thông báo, yêu cầu bổ sung hồ sơ, do đó sẽ kéo dài thời gian cấp hộ chiếu của công dân.

Thông qua số điện thoại, các đối tượng tự xưng là công dân nắm bắt các nội dung cần phải bổ sung hồ sơ. Đến khi không được nhận hộ chiếu, công dân đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh hỏi thì mới biết hồ sơ chưa được bổ sung để xử lý.

Cục An toàn thông tin lưu ý người dân cần hết sức cẩn trọng trước các lời mời chào sử dụng bất kể dịch vụ online nào. Không nên tin tưởng, cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng không rõ danh tính.

Hiện nay, việc tiếp nhận hồ sơ cấp hộ chiếu trực tuyến trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia và Cổng Dịch vụ Công Bộ Công an tạo thuận lợi rất lớn cho công dân. Người dân có thể chủ động về thời gian, địa điểm, nộp hồ sơ nhanh chóng, dễ dàng hơn, không phải trực tiếp đến cơ quan Công an để làm các thủ tục nộp hồ sơ.

Tags:
4.7 29 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.71194 sec| 823.086 kb