Trên thực tế, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải chịu trách nhiệm về chất lượng, sản phẩm mà doanh nghiệp mang ra quảng cáo. Còn người quảng cáo, thường là những người nổi tiếng, thực hiện chuyển tải thông điệp của nhãn hàng dựa trên tài liệu, thông tin được cung cấp. Họ khó có khả năng kiểm chứng những thông tin được cung cấp đúng hay không.
Biên tập viên Quang Minh và MC Vân Hugo đánh rơi lòng tin của khán giả khi quảng cáo lố sản phẩm sữa dành cho trẻ em
Mới đây, khi Bộ Công an vừa triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Dư luận xã hội cho rằng, thay vì chỉ tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như hiện tại, thì cần phải quy định thêm về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Lê Ngô Trung – Giám đốc Công ty Luật TNHH Trung Lê và Cộng sự, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm:
NSND Hồng Vân trong quảng cáo gây tranh cãi dư luận vì PR sản phẩm quá sự thật
Việc nghệ sĩ, người nổi tiếng hay bất kỳ cá nhân nào cũng có thể tham gia quảng cáo sản phẩm cho doanh nghiệp hoặc cá nhân khác, đây là hoạt động bình thường và chính đáng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, người tham gia quảng cáo ngoài việc yêu cầu đơn vị chịu trách nhiệm mời quảng cáo cung cấp và đảm bảo các thông tin của sản phẩm như hàng hóa, dịch vụ không bị cấm, đã được đăng ký đúng thủ tục với cơ quan chức năng … thì bản thân người tham gia quảng cáo cần phải định vị rõ mình tham gia với nhiệm vụ và vai trò cụ thể ra sao?
Trường hợp người tham gia với nhiệm vụ là vai diễn, diễn viên trong hoạt cảnh được giàn dựng … thì người xem, khách hàng sẽ hiểu đó là đóng quảng cáo. Chẳng hạn như việc các cầu thủ nổi tiếng cùng đóng cảnh đua tranh, dùng cả kỹ thuật lẫn tiểu xảo chỉ để giành chai nước giải khát. Lúc này, người tham gia sẽ có thể không phải chịu trách nhiệm về cam kết chất lượng của hàng hóa được quảng cáo.
Cát Tường từng "muối mặt" xin khán giả tha thứ vì đã quảng cáo “sữa có tác dụng trị tiểu đường” sai sự thật, khiến dư luận bức xúc
Nhưng với trường hợp chính người tham gia quảng cáo bằng chính danh của mình đưa thông tin về công dụng, tính năng … thì phải phần nào chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Nhất là trong nhiều trường hợp, chính người tham gia quảng cáo là người có tầm ảnh hưởng sử dụng bằng chính danh của mình kèm lời giới thiệu theo nghĩa gián tiếp hoặc trực tiếp cho rằng bản thân (hoặc người thân) đã sử dụng rất hiệu quả; trong khi thực tế thì không hề có hoặc thổi phồng quá mức thì đây rõ ràng là có dấu hiệu lừa dối người xem. Bởi hơn ai hết, chính người nổi tiếng hiểu rõ tầm ảnh hưởng và danh tiếng của mình đối với người hâm mộ nhưng đã chấp nhận đưa thông tin với lời khẳng định thì phải chịu trách nhiệm về hành vi này. Khó có thể đổ lỗi rằng chỉ đọc theo nội dung do người khác soạn sẵn vì mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm bằng chính phát ngôn với chính danh của mình, đây không phải là vai diễn theo lời thoại trong hoạt cảnh.
Phương Trinh Jolie từng quảng cáo cho cà phê GO Coffee - sản phẩm giảm cân từng bị yêu cầu thu hồi vì chứa chất cấm
Ngoài ra, luật sư Trung còn cho rằng trong thời gian gần đây, nhiều cá nhân có sức ảnh hưởng và lan tỏa rất lớn, kéo theo lượng người xem cực lớn trên các phương tiện truyền thông và không gian mạng. Việc sử dụng sự ảnh hưởng này để tham gia giới thiệu và quảng cáo hàng hóa một cách bất chấp, kêu gọi, đưa ra lời khuyên nhưng không hề hiểu rõ và trải nghiệm, cũng như kiểm nghiệm về chất lượng sản phẩm như chính sự khẳng định của bản thân trong các kênh quảng cáo là sự lừa dối và đáng bị xử lý. Trường hợp sự lừa dối này vi phạm về pháp luật hình sự và chịu trách nhiệm tương ứng với hành vi này thì cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi người mua hàng đặt niềm tin vào sự giới thiệu và cam kết về sự trải nghiệm sản phẩm của chính các cá nhân (nhất là những người có sức ảnh hưởng) này. Do đó, cơ quan chức năng cũng cần phải xử lý nghiêm cho những hành vi cố tình lừa dối nhằm trục lợi một cách bất chấp như vậy.
Hình ảnh của Hoa hậu Thùy Tiên được đăng tải trên trang chủ của thương hiệu kẹo rau củ Kera
Loạt nghệ sĩ “muối mặt” xin lỗi vì quảng cáo sai sự thật Thời gian gần đây, loạt vụ việc nghệ sĩ vướng tranh cãi vì quảng cáo đã trở thành đề tài gây bàn tán rộng khắp mạng xã hội. Điển hình như trường hợp của Biên tập viên Quang Minh và MC Thanh Vân Hugo vì từng quảng cáo cho sữa Hiup. Công ty TNHH Kinh doanh và Công nghệ Alama Việt Nam – đơn vị sở hữu bản quyền và phân phối chính thức sản phẩm Hiup đã phải nộp phạt 25 triệu đồng vì có hành vi quảng cáo sản phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định, phải cải chính thông tin, tháo gỡ, tháo dỡ, xóa nội dung quảng cáo. Sản phẩm này được quảng cáo là "giải pháp giúp trẻ tăng chiều cao vượt trội" nhưng thực tế không có cơ sở khoa học nào chứng minh những cam kết này. Hay như trường hợp của NSND Hồng Vân, Cát Tường,… cũng bị công chúng bức xúc nhắc tên khi có những quảng cáo không đúng sự thật. Vụ bê bối gần nhất liên quan đến quảng cáo sai sự thật là Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên quảng cáo kẹo rau củ Kera. Theo đó, Hoa hậu Thuỳ Tiên bị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính 25 triệu đồng và vẫn đang tiếp tục bị điều tra. Từ lâu, quảng cáo sai sự thật là vấn nạn, nhất là với những sản phẩm liên quan đến sức khoẻ người già, trẻ nhỏ. Nếu chẳng may hậu quả xấu xảy ra, thì việc xoá video quảng cáo hay vài dòng xin lỗi muộn màng chẳng còn ý nghĩa gì nữa... |