Tiêu chí chọn bánh Trung thu an toàn
Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu 2024, Hà Nội đã thành lập 4 đoàn kiểm tra chuyên ngành do các sở: NN&PTNT; Y tế; Công Thương và Cục Quản lý thị trường Hà Nội phụ trách.
Trong đó, ngành y tế Hà Nội chịu trách nhiệm kiểm tra vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu tại các khách sạn. Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, sau hơn 1 tháng kiểm tra ATTP trong dịp Tết Trung thu năm 2024, ngành đã kiểm tra 18/20 khách sạn được phân công.
Đoàn kiểm tra số 1 của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu tại khách sạn JW Marriott Hà Nội.
Đa phần các khách sạn được kiểm tra đều đã nghiêm túc chấp hành các quy trình, quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất bánh Trung thu.
Cụ thể, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực đều đáp ứng yêu cầu. Nguyên liệu được đưa vào sản xuất bánh đã chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Các khách sạn cũng đã xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến vấn đề sản xuất bánh Trung thu…
Tuy nhiên, có những nơi chưa tuân thủ quy trình, điều kiện về vệ sinh cơ sở vật chất, dụng cụ, trang thiết bị, đoàn kiểm tra yêu cầu các cơ sở khắc phục ngay mới cho tiếp tục được hoạt động.
Trong quá trình kiểm tra, ngành y tế đã lấy mẫu bánh Trung thu tại các cơ sở để kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả cho thấy, các mẫu bánh đều đạt tiêu chuẩn.
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, bánh Trung thu an toàn, bảo đảm chất lượng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí. Với các loại bánh chính hãng sẽ công khai thành phần, tiêu chuẩn chất lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng… trên nhãn mác để người tiêu dùng tự kiểm chứng, quyết định mua.
Trong khi các loại bánh trôi nổi, không nguồn gốc lại mập mờ những thông tin quan trọng nhất về thành phần nguyên liệu, tiêu chuẩn chất lượng…
Ngoài ra, sản phẩm phải được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Ông Nguyễn Thanh Phong cũng lưu ý, sản phẩm bánh Trung thu sẽ được người sản xuất sử dụng các loại màu thực phẩm. Nếu nhà sản xuất sử dụng màu thực phẩm được Bộ Y tế cho phép, thì an toàn với sức khỏe. Nếu bánh chứa chất tạo màu không được phép sử dụng trong công nghệ chế biến thực phẩm, thì vô cùng nguy hiểm.
Chọn bánh rõ nguồn gốc, xuất xứ
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, dù cho là mua loại bánh nào cũng cần được công khai bảng thành phần, tên thương hiệu… đến người tiêu dùng để người tiêu dùng tự kiểm chứng, quyết định mua.
Bánh Trung thu nói riêng và thực phẩm nói chung, người tiêu dùng không nên ham rẻ mà tiêu chí đầu tiên phải là an toàn cho sức khỏe. Người dân hãy thận trọng với các loại bánh siêu giảm giá, quan sát kỹ hạn sử dụng, tránh mua phải bánh đã hoặc sắp hết hạn, sử dụng nguyên liệu kém chất lượng.
Hiện có một xu hướng là người dùng thích loại bánh Trung thu cách điệu, được vẽ những hình thù rất đẹp mắt lên mặt bánh. Loại sản phẩm này không có gì nguy hiểm nếu nguyên liệu tạo màu an toàn.
Tuy nhiên, để có lợi nhuận cao, nhiều người dùng màu chất lượng kém sẽ rất nguy hiểm. Một số chất tạo màu có thể gây nguy hiểm sức khỏe là: Brilliant blue (dùng trong chế biến sữa, thạch, xiro, đồ uống, kẹo) có nguy cơ gây dị ứng, erythrosine (sử dụng trong chế biến kẹo, bánh nướng, gia vị, thực phẩm ăn nhẹ) gây ung thư tuyến giáp, allura red (sử dụng trong chế biến thực phẩm ăn nhẹ, nước uống không cồn) có thể gây dị ứng, hen suyễn, viêm mũi ở người, chứng hiếu động thái quá ở trẻ em…
Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo, việc sử dụng bánh Trung thu có tồn dư hóa chất công nghiệp, nhân bánh không đảm bảo còn có thể gây ngộ độc cấp tính như đau bụng, buồn nôn. Nguy hiểm hơn, nó còn tích tụ dần vào cơ thể gây nên những ảnh hưởng cho sức khỏe sau này, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Sản xuất bánh Trung thu tại khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi.
“Khi chọn bánh, người dân cần phải để ý xem hạn sử dụng của bánh, ngoài ra phải quan sát kỹ trên vỏ bánh có xuất hiện những vết lấm tấm bất thường hay không. Để tránh bị ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe, người dân cần tuyệt đối không mua những bánh có dấu hiệu bị mốc, không sử dụng bánh đã hết hạn hoặc không ghi hạn sử dụng; mua các sản phẩm có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng và có đăng ký chất lượng” - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, do sản xuất các loại bánh Trung thu đem lại lợi nhuận cao, nên vào dịp Tết Trung thu thường xuất hiện một số cơ sở sản xuất tự phát, hoạt động không phép, không đảm bảo điều kiện ATTP trong sản xuất, hoặc nhập lậu bánh không rõ nguồn gốc.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu, người tiêu dùng cần chú ý các tiêu chí như sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng. Người tiêu dùng cần chọn sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
Người tiêu dùng nên ăn bánh theo khuyến cáo của nhà sản xuất; không nên ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm. Khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời. Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế |