Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Sibutramine là một hoạt chất làm giảm cảm giác thèm ăn, được sử dụng từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên ngay sau đó, cơ quan chức năng đã phát hiện ra tác dụng phụ, đặc biệt sau 2 ca tử vong do tim mạch ở Ý và bị cấm bán ở nước này từ 2002. Tại Pháp, thuốc bị cấm bán từ 2007
Loại thuốc giảm cân của Trung Quốc bị Australia thu hồi vào năm 2013 vì chứa chất cấm sibutramine.
Sau đó cơ quan Dược phẩm Châu Âu ( AMEA), cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ ( FDA) và các cơ quan quản lý dược một số nước trên thế giới đã liệt kê Sibutramine là chất cấm, đưa ra khuyến cáo về khả năng làm tăng nguy cơ tim mạch đối với các thuốc chứa hoạt chất này.
Tại Việt Nam, từ năm 2010, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine.
Đầu năm 2011, Cục tiếp tục thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc chứa hoạt chất Sibutramine do có tác dụng không mong muốn và quyết định rút số đăng ký của tất cả các thuốc có chứa hoạt chất sibutramine ra khỏi danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành trên thị trường Việt Nam.
Cục An toàn thực phẩm cho biết, thời gian vừa qua, thông qua chương trình giám sát chủ động, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số sản phẩm giảm cân có chứa Sibutramine, các sản phẩm này đã bị thu hồi và xử lý theo quy định.
Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có Công văn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh về việc giám sát sản phẩm thực phẩm có chứa Sibutramine.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị các Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai lấy mẫu trên diện rộng, tập trung vào nhóm sản phẩm giảm cân là thực phẩm chức năng để đánh giá chất lượng và an toàn của sản phẩm, ưu tiên giám sát chỉ tiêu Sibutramine.
Các đơn vị cần lấy mẫu sản phẩm để kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Kết quả kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định hiện hành.
Mới nhất, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Đặng Việt Đông và Nguyễn Thị Bình về tội "Vi phạm quy định về sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm".
Hai đối tượng này đã sản xuất hàng nghìn gói thuốc giảm cân Đông y Tiến Hạnh bằng bột ngô, gạo nếp và chất cấm Sibutramine.