Chỉ số An toàn an ninh mạng toàn cầu (GCI) 2024 lần thứ 5 do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) công bố mới đây, cho biết các quốc gia trên toàn cầu đang cải thiện các nỗ lực an ninh mạng, nhưng cần có những hành động mạnh mẽ hơn để đáp ứng các mối đe dọa mạng đang phát triển.
Báo cáo chỉ ra các quốc gia trên thế giới đang tăng cường nỗ lực an ninh mạng nhưng cần có các hành động mạnh mẽ hơn để đối phó với những nguy cơ ngày càng tăng.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
GCI 2024 đánh giá các nỗ lực của các nước dựa trên 5 tiêu chí, thể hiện các cam kết an ninh mạng cấp quốc gia: pháp lý, kỹ thuật, tổ chức, phát triển năng lực và hợp tác. Liên minh Viễn thông quốc tế cũng thay đổi cách thức đánh giá nhằm tập trung tốt hơn vào sự tiến bộ của mỗi nước trong các cam kết bảo mật và tác động của nó.
Các nước được xếp thành 5 nhóm, trong đó nhóm 1 là nhóm cao nhất, gồm 46 nước, đóng vai trò "làm gương". Liên minh Viễn thông quốc tế đánh giá các nước nhóm 1 đều có sự tiến bộ đáng kể so với phiên bản Chỉ số An toàn thông tin mạng toàn cầu gần nhất vào năm 2021.
Việt Nam nằm trong nhóm 1 với tổng điểm 99,74, trong đó 4 tiêu chí đạt tối đa 20 điểm là biện pháp pháp lý, biện pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức và biện pháp phối hợp. Tiêu chí phát triển năng lực đạt 19,74 điểm.
Theo Tổng thư ký ITU Doreen Bogdan-Martin, xây dựng niềm tin trong thế giới số là tối quan trọng. Bà đánh giá sự tiến bộ trong GCI 2024 là dấu hiệu cho thấy chúng ta phải tập trung mọi nỗ lực để bảo đảm tất cả mọi người ở bất kỳ đâu có thể quản trị các nguy cơ bảo mật trong thế giới kỹ thuật số ngày một phức tạp.
GCI được ITU công bố lần đầu vào năm 2015, nhằm hỗ trợ các quốc gia xác định các lĩnh vực cần cải thiện và khuyến khích các nước hành động để phát triển năng lực trong mỗi tiêu chí.
GCI không ngừng thay đổi để thích ứng với các rủi ro, ưu tiên và nguồn lực liên tục biến đổi, cung cấp bức tranh toàn diện nhất về các biện pháp an ninh mạng của mỗi nước.