Thứ 7, 23/11/2024, 16:50 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Vì sao vẫn nên giữ quy định bắt buộc mua hiểm xe máy?

Vì sao vẫn nên giữ quy định bắt buộc mua hiểm xe máy?
(Tieudung.vn) - Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trật tự ATGT đường bộ 2024 đang lấy ý kiến góp ý của Nhân dân, trong đó có quy định bắt buộc chủ xe mô tô, xe gắn máy và xe máy điện phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự.

Nhiều ý kiến đồng tình với quy định này và mong sẽ có những quy định cụ thể nhằm quản lý chặt chẽ và hiệu quả việc mua/chi trả bảo hiểm; Đồng thời cần đơn giản hoá thủ tục bồi thường để giảm phiền hà, đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm theo hướng thực chất.

Chưa thực thi nghiêm túc

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới (bao gồm cả , xe máy) được thực hiện tại Việt Nam từ năm 1988, đến nay đã 36 năm.

Từ ngày 1/1/2025, Luật Trật tự ATGT đường bộ năm 2024 thay thế cho Luật Giao thông đường bộ 2008 sẽ chính thức có hiệu lực. Hiện nay, Bộ GTVT lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật này và dự kiến 7 nghị định hướng dẫn thi hành sẽ được Chính phủ ban hành trước ngày 15/10 năm nay.

Đáng chú ý, trong dự thảo lần 2 (ngày 29/7/2024) quy định về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy hiện hành (Nghị định 123/2021) vẫn được bảo lưu - bắt buộc chủ xe mô tô, xe gắn máy và xe máy điện phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự, giống như chủ xe ô tô.

Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định có một quy định rất mới (khoản 5, Điều 6) về bộ cơ sở dữ liệu bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới và xe máy chuyên dùng. Cơ sở dữ liệu này sẽ được quản lý tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo tính chính xác, kịp thời.

Về mức phạt, người điều khiển mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có, hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.

Vì sao vẫn nên giữ quy định bắt buộc mua hiểm xe máy?

Ảnh minh họa

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giao thông, thạc sỹ Đỗ Cao Phan cho biết, từ năm 2020 đến nay, nhiều cuộc tranh luận về bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe máy vẫn tiếp diễn trên nhiều diễn đàn, cũng có nhiều ý kiến trái chiều.

“Tôi cho rằng, quy định bắt buộc phải có bảo hiểm xe máy không mới nhưng những bổ sung mới trong quy định về cập nhật hệ thống dữ liệu, tra cứu thông tin, thủ tục xử lý theo hướng chặt chẽ, giảm bớt phiền hà sẽ có tác động lớn, làm thay đổi mảng bảo hiểm xe máy theo hướng liên thông, minh bạch. Từ đó phát huy tính nhân văn, nhân đạo của bảo hiểm bắt buộc” - thạc sỹ Đỗ Cao Phan nêu quan điểm.

Anh Lê Anh Phú (quận Bắc Từ Liêm) cho rằng, việc bảo hiểm xe máy bấy lâu nay chưa phát huy là do còn thiếu và yếu trong công tác quản lý, còn nhiều bất cập trong các thủ tục chi trả khiến người dân mất lòng tin.

Nhưng rõ ràng, xe máy là phương tiện lưu thông chính của người Việt cũng là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại nước ta. Vì vậy, việc bắt buộc mua bảo hiểm sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với việc giảm thiểu rủi ro và trách nhiệm tài chính đối với các bên liên quan nếu không may xảy ra tai nạn.

Cần quy định chặt chẽ

Theo Dự thảo nghị định mới, dữ liệu bảo hiểm chủ xe cơ giới phải tích hợp các thông tin cần thiết của người dân và cả các DN bảo hiểm, quản lý tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Điều này đảm bảo khi có sự cố giao thông xảy ra, quyền lợi của chủ xe máy gây tai nạn sẽ được tra cứu và xử lý theo quy định, tránh việc gọi 5 lần 7 lượt mà không thấy đại diện các DN bảo hiểm xuất hiện.

Các chuyên gia giao thông cũng cho rằng, việc bổ sung quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo hiểm một cách nhanh chóng, chính xác. Bởi hiện nay người dân tham gia bảo hiểm xe máy, khi tai nạn giao thông gây thiệt hại về tài sản hay tổn thương, thương tật về người, tài sản cho bên thứ ba, việc giải quyết bồi thường còn gặp nhiều khó khăn, thủ tục rườm rà và hầu như không được hưởng.

Liên quan đến hồ sơ giải quyết bồi thường, hiện nay, Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định Hồ sơ bồi thường quy định cụ thể đối với chủ xe (bên mua bảo hiểm) gồm: văn bản yêu cầu bồi thường; tài liệu liên quan đến xe cơ giới, người lái xe; tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản; quyết định của Tòa án (nếu có).

Các tài liệu DN bảo hiểm thu thập gồm: bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan Công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với người thứ ba và hành khách. Hoặc trường hợp cần xác minh vụ tai nạn có nguyên nhân do lỗi hoàn toàn của người thứ ba. Biên bản giám định của DN bảo hiểm hoặc người được DN bảo hiểm ủy quyền.

Thạc sỹ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho rằng, cần phải xem xét tăng mức bồi thường bảo hiểm; giảm bớt các trường hợp loại trừ trách nhiệm và đơn giản hóa hồ sơ thủ tục bồi thường. Các quy định này cần được điều chỉnh sao cho tỷ lệ chi trả bảo hiểm đối với xe máy cũng vào khoảng hơn 30% như các loại bảo hiểm khác. Bên cạnh đó, cần thanh kiểm tra và quản lý chặt chẽ hoạt động chi trả đối với các DN bảo hiểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

“Rõ ràng người dân mua bảo hiểm là để phòng ngừa rủi ro, vậy mà khi rủi ro xảy ra lại có nhiều kẽ hở để DN bảo hiểm trốn tránh trách nhiệm sẽ hình thành tâm lý chống đối trong Nhân dân. Chỉ khi chặt chẽ trong quản lý, minh bạch trong hồ sơ và chi trả bồi thường người dân thấy bớt rườm rà, phiền hà mới có thể gửi trọn niềm tin vào dịch vụ" - thạc sỹ Hoàng Thị Thu Phương nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia giao thông, nước ta hiện nay có gần 75 triệu xe máy. Với tốc độ tăng trưởng dân số và nhu cầu sử dụng phương tiện di chuyển trong nước, số lượng xe máy tại Việt Nam có thể tiếp tục tăng trong tương lai. Điều này đồng nghĩa với việc sức ép về giao thông cũng tăng lên, gây ra những khó khăn trong việc di chuyển và nguy cơ tai nạn. 

Việc trang bị bảo hiểm xe máy là điều quan trọng và cần thiết, không chỉ là trách nhiệm khi tham gia giao thông mà còn là giải pháp để bảo vệ sức khỏe và tài chính trong trường hợp xảy ra các rủi ro giao thông.

Tuy nhiên, để luật đi vào thực tiễn cuộc sống đạt hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GTVT cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo hiểm của chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sao cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của chủ phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ.

Tags:
4.7 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.23832 sec| 801.266 kb