GSMA cho biết, tính đến hết 2022, có 4,3 tỷ người tương đương với 54% dân số thế giới đang dùng smartphone. "Đây là cột mốc quan trọng với ngành công nghiệp di động, nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của thiết bị và công nghệ di động trong cuộc sống của chúng ta", báo cáo nêu.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Ngoài ra, còn có 4,6 tỷ người truy cập Internet di động, trong đó gần bốn tỷ sử dụng thông qua smartphone, 600 triệu tiếp cận Internet qua điện thoại cơ bản. Có khoảng 350 triệu người sở hữu smartphone nhưng không truy cập Internet di động.
Tổ chức này cho biết, phạm vi phủ sóng của Internet di động "tương đối không thay đổi" trong năm 2021 với 95% dân số toàn cầu được phủ sóng. Những người không có khả năng kết nối chủ yếu ở khu vực nông thôn và dân cư thưa thớt.
Báo cáo của GSMA nhấn mạnh sự khác biệt giữa các khu vực về tính có sẵn của Internet di động: 69% chủ sở hữu smartphone ở Bắc Mỹ và Đông Á có thiết bị hỗ trợ 4G, trong khi phần lớn người dùng ở Châu Phi và Trung Đông tiếp tục sử dụng mạng 3G.
Internet di động tiếp tục lan rộng tích cực nhưng khoảng 3,4 tỷ người vẫn chưa được tiếp cận. Nghiên cứu chỉ ra rằng, 38% dân số thế giới sống ở những khu vực có Internet di động nhưng không sử dụng. 59% dân số ở châu Phi cận Sahara và 52% dân số ở Nam Á không có quyền truy cập Internet.
Các nhà nghiên cứu ghi nhận 600 triệu người, tương đương khoảng 8% dân số thế giới, sử dụng Internet di động thông qua điện thoại thông thường. Rào cản trong việc mở rộng sự tiếp cận của người dùng với Internet di động bao gồm trình độ hiểu biết về kỹ thuật số không đầy đủ, mù chữ, vấn đề bảo mật và tính sẵn có của nội dung liên quan.
Theo Mats Granryd, Tổng Giám đốc GSMA, việc thiếu kết nối đã tước đi khả năng tiếp cận của hàng tỷ người với các dịch vụ quan trọng và cơ hội tạo doanh thu, ảnh hưởng không cân đối đến người dùng nghèo, trình độ học vấn thấp, ở nông thôn và phụ nữ.
Các nhóm này sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và sự gia tăng các trường hợp khẩn cấp liên quan đến khí hậu, đồng thời Mats cũng kêu gọi “đẩy nhanh việc đưa kỹ thuật số vào và phá bỏ các rào cản để ngăn chặn khoảng cách kỹ thuật số ngày càng mở rộng”.
GSMA thành lập năm 1987 tại London, là cơ quan thương mại đại diện cho lợi ích của các nhà khai thác mạng di động trên toàn thế giới. Sứ mệnh của GSMA là thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của ngành công nghiệp di động bằng các nghiên cứu, tổng hợp và chia sẻ các phương pháp tối ưu nhất.