Thứ 4, 11/12/2024, 22:50 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Máy sạ cụm - Giải pháp cơ giới hóa gieo sạ hiệu quả, đáp ứng tốt mục tiêu “Đề án một triệu héc-ta”

Máy sạ cụm - Giải pháp cơ giới hóa gieo sạ hiệu quả, đáp ứng tốt mục tiêu “Đề án một triệu héc-ta”
(Tieudung.vn) - Có thể nói máy sạ cụm, đặc biệt là sạ cụm kết hợp bón vùi phân là giải pháp cơ giới hóa gieo sạ hiệu quả, và hơn thế nữa, máy sạ cụm là tiến bộ kỹ thuật kép, không những nâng cao năng suất lao động mà còn góp phần nâng cao năng suất sinh học; máy sạ cụm đáp ứng tốt mục tiêu “Đề án một triệu héc-ta”.

Vụ Hè Thu 2024, máy sạ lúa theo cụm đã được sử dụng để thực hiện mô hình thí điểm “đề án một triệu héc-ta” trên địa bàn tỉnh Trà Vinh (HTX Phước Hảo – xã Phước Hảo - huyện Châu Thành), và tiếp đó, vụ Thu Đông 2024 được thực hiện tại Đồng Tháp (HTX Thắng Lợi – xã Láng Biển - huyện Tháp Mười) và Kiên Giang (HTX DVNN Thanh Niên Phú Hòa - xã Tân Hội – huyện Tân Hiệp).

Tại Trà Vinh mô hình thực hiện 50 ha với giống lúa ST24 trên nền phân hữu cơ Con Voi - Bình Dương; Tại Đồng Tháp mô hình thực hiện 24,5 ha với giống lúa OM18 trên nền phân Đầu Trâu; Tại Kiên Giang mô hình thực hiện 18 ha với giống lúa Đài Thơm 8 trên nền phân Bình Điền II.

Các mô hình được thực hiện theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của “Đề án một triệu héc-ta” đã được phê duyệt theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Máy sạ cụm - Giải pháp cơ giới hóa gieo sạ hiệu quả, đáp ứng tốt mục tiêu “Đề án một triệu héc-ta”

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT kiểm tra điểm mô hình thí điểm Đồng Tháp

Các điểm mô hình tại Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang đã được Cục Trồng Trọt cùng với các đơn vị thuộc Bộ phối hợp các địa phương kiểm tra, tổng kết, đánh giá.

Qua tổng kết, đánh giá, cho thấy kết quả đạt được tại các điểm mô hình là thực sự đáng ghi nhận, đặc biệt là các kết quả về mặt kỹ thuật đều đạt và vượt qua tất cả các chỉ tiêu của đề án.

Cụ thể: Lượng giống gieo sạ chỉ sử dụng từ 60 kg/ha (Trà Vinh) – 70 kg/ha (Đồng Tháp, Kiên Giang), bình quân 64,6 kg/ha, thấp hơn lượng giống sạ lan trong sản xuất bình quân 81 kg/ha (giảm 55,7% lượng giống sử dụng), đáp ứng chỉ tiêu lượng giống gieo sạ theo Đề án đến năm 2030 là dưới 70 kg/ha; Lượng phân đa lượng nguyên chất (N, P2O5, K2O): Do ruộng sạ thưa, nhu cầu dinh dưỡng khoáng giảm bớt nên mô hình chỉ sử dụng từ 144 – 147 kg/ha (Trà Vinh, Kiên Giang) đến 177 kg/ha (Đồng Tháp), bình quân 153 kg/ha, thấp hơn tổng lượng phân sử dụng trong sản xuất bình quân 97,4 kg/ha (giảm 38,9% tổng lượng phân sử dụng);

Riêng đối với phân đạm, các điểm mô hình chỉ sử dụng 66 – 67 kg/ha (Kiên Giang, Trà Vinh) đến 80 kg/ha (Đồng Tháp), bình quân 70,2 kg/ha, thấp hơn lượng phân đạm sử dụng trong sản xuất bình quân 57,6 kg/ha (giảm 45,1% lượng đạm sử dụng); Số lần phun thuốc BVTV: Do sạ thưa, ruộng lúa đầy đủ ánh sánh và sử dụng ít phân bón, đặc biệt là phân đạm nên mô hình giảm áp lực sâu bệnh khá rõ, chỉ phun thuốc BVTV từ 5 lần (Trà Vinh), 6 lần (Kiên Giang) đến 7 lần (Đồng Tháp), bình quân 5,7 lần/vụ, thấp hơn số lần phun trong sản xuất bình quân 2,6 lần/vụ (giảm 31,2% số lần phun). Theo đó, điểm mô hình lúa tại Trà Vinh đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn VietGAP và có giá bán cao hơn lúa trong vùng 350 đồng/kg; Chi phí sản xuất: Từ 18.059.000 – 18.712.000 đồng/ha (Đồng Tháp, Kiên Giang) đến 22.380.000 đồng/ha (Trà Vinh), bình quân 20.521.746 đồng/ha, thấp hơn chi phí trong sản xuất bình quân 3.097.486 đồng/ha (giảm 13,1% chi phí sản suất). Điều này thật sự có ý nghĩa trong bối cảnh vật tư tăng giá;

Năng suất lúa: Mặc dầu cuối vụ Hè Thu và suốt vụ Thu Đông khí hậu, thời tiết diễn ra không thuận lợi, các cơn mưa ít xảy ra nhưng lượng mưa nhiều và kéo dài kèm theo giông và gió to gây khó khăn trong công tác chăm sóc và thu hoạch lúa, nhưng với việc tuân thủ thực hiện các giải pháp chỉ đạo sản xuất sâu sát, kịp thời nên năng suất lúa vẫn đảm bảo từ 46,8 tạ/ha (Kiên Giang), 58,8 tạ/ha (Đồng Tháp) đến 66 tạ/ha (Trà Vinh), bình quân 61 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa ngoài sản xuất bình quân 3,1 tạ/ha (tăng 5,3% năng suất lúa);

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trao đổi với nông dân tại ruộng về đề án 1 triệu hecta lúa

Lợi nhuận và tỉ suất lợi nhuận: Với năng suất lúa tăng bình quân 5,3%, chi phí sản xuất giảm bình quân 13,1% so với ngoài sản xuất nên lợi nhuận đã đạt được từ 20.732.000 đồng/ha (Kiên Giang), 32.852.554 đồng/ha (Đồng Tháp) đến 45.570.000 đồng/ha (Trà Vinh), bình quân 37.368.255 đồng/ha, cao hơn lợi nhuận ngoài sản xuất bình quân 6.455.920 đồng/ha (tăng 20,9% lợi nhuận). Qua đây, cũng tính được tỉ suất lợi nhuận đã đạt được 64,6%, vượt chỉ tiêu 50% của đề án;

Giá thành sản xuất lúa: Từ 2.941 đồng/kg lúa (Đồng Tháp), 3.391 đồng/kg (Trà Vinh) đến 3.998 đồng/kg (Kiên Giang), bình quân 3.362 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất lúa ngoài sản xuất bình quân 713 đồng/kg (giảm 17,5% giá thành sản xuất lúa); Giảm phát thải: Lượng phát thải 5,36 tấn CO2tđ/ha (Trà Vinh), 6 tấn CO2tđ/ha (Kiên Giang), 6,41 tấn CO2tđ/ha (Đồng Tháp), bình quân 5,76 tấn CO2tđ/ha, thấp hơn lượng phát thải ngoài sản xuất bình quân 6,99 tấn CO2tđ/ha (giảm 54,8% lượng phát thải). Điểm lưu ý trong qui trình canh tác: Ở cả 03 điểm mô hình đều rút nước 3 lần trong vụ, nhưng điểm Trà Vinh sử dụng lượng phân ít hơn nên phát thải cũng thấp hơn.

Các kết quả trên đã được lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các địa phương và người sản xuất đánh giá rất cao tại các hội nghị tổng kết, tất cả đều thấy được kết quả các mô hình thí điểm tại Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang đã đáp ứng được các yêu cầu (về mặt kỹ thuật) của Đề án “một triệu héc-ta”.

Qua đây có thể khẳng định, hiệu quả kinh tế sản xuất lúa nói riêng, canh tác lúa bền vững nói chung sẽ đạt được kết quả cao nếu thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ các yêu cầu trong một gói kỹ thuật đồng bộ, bao gồm nhiều yếu tố: Giống, dinh dưỡng khoáng, bảo vệ thực vật, biện pháp canh tác...

Có thể khẳng định, điểm nhấn trước hết và quan trọng nhất của gói kỹ thuật đồng bộ trong thực trạng tiến bộ kỹ thuật sản xuất lúa hiện nay là giảm giống. Bởi lẽ, giảm giống, chỉ sử dụng lượng hạt giống ít nên người dân có cơ hội sử dụng hạt giống tốt, chất lượng cao, và quan trọng hơn, từ chỗ giảm lượng hạt giống sử dụng kéo theo giảm lượng phân bón và thuốc BVTV, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo, giảm phát thải... lan tỏa có được từ việc giảm giống là vô cùng lớn bởi lẽ có sự cộng hưởng đến nhiều yếu tố và từ nhiều yếu tố trong gói kỹ thuật đồng bộ!

Thực tế, chủ trương giảm lượng giống gieo sạ đã có từ lâu, và đồng hành với chủ trương giảm lượng giống gieo sạ là chủ trương đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất lúa, trong đó đặc biệt quan tâm là cơ giới hóa khâu xuống giống, vì đây là khâu hiện còn yếu nhất theo mục tiêu cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa; hơn nữa, không kém phần quan trọng, cơ giới hóa khâu xuống giống có thể góp phần cho việc giảm lượng giống gieo sạ...

Trong mối tương quan trên thì thời gian qua máy cấy được xem là thiết bị có thể đồng hành với chủ trương giảm lượng giống gieo sạ, đẩy mạnh cơ giới hóa khâu xuống giống bằng máy cấy là góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón và thuốc BVTV sử dụng...

Tuy nhiên, chủ trương là vậy, cùng với nhiều giải pháp hổ trợ tích cực khác phối hợp (như Quyết định 61, 63, 65, 68 của Chính phủ về chính sách hổ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp…), nhưng đến nay, đã qua thời gian phát động khá lâu, máy cấy vẫn chưa được sản xuất chấp nhận như là giải pháp hiệu quả phục vụ cơ giới hóa khâu xuống giống, bởi lẽ: Chi phí đầu tư mua sắm thiết bị quá cao (phải mua sắm đồng bộ nhiều thiết bị mới hoạt động được, như: Máy cấy, máy xay đất, máy gieo hạt, khay gieo hạt, mặt bằng chăm sóc mạ…); Do chi phí đầu tư lớn nên chi phí cho dịch vụ gieo cấy quá cao so với tập quán gieo sạ hiện nay; Nền ruộng ở nhiều địa phương sình lầy, không đảm bảo độ cứng cho máy cấy hoạt động.

Máy sạ cụm - Giải pháp cơ giới hóa gieo sạ hiệu quả, đáp ứng tốt mục tiêu “Đề án một triệu héc-ta”

Máy sạ cụm kết hợp bón vùi phân

Khác với máy cấy, máy sạ cụm có thể khắc phục được các mặt hạn chế trên: Người nông dân không cần phải đầu tư đồng bộ cả dàn máy sạ cụm với kinh phí lớn mà chỉ cần đầu tư bộ phận công tác (bộ phận sạ lúa theo cụm) với kinh phí phù hợp để kết nối với các loại máy làm đất, như máy cày lớn, máy xới nhỏ… là các loại máy móc đang được sử dụng phổ biến. Và như thế, người nông dân có thể sử dụng các “cổ máy ghép” này vừa để làm đất vừa phục vụ xuống giống theo nhu cầu, đáp ứng được việc vừa giảm chi phí đầu tư thiết bị đồng bộ ban đầu, vừa tăng thời gian hoạt động của máy móc đã đầu tư trước đó.

Máy sạ cụm sử dụng hạt giống khi sạ, khỏi phải qua công đoạn gieo mạ khá phức tạp, tốn thêm chi phí, và do đó giá thành khâu xuống giống bằng giải pháp sạ cụm chỉ bằng 1/3 so với giá thành khâu xuống giống bằng giải pháp cấy.

Dàn sạ cụm liên kết được với nhiều thiết bị, máy móc khác nhau, có vòng bánh, cở bánh, cấu trúc bánh khác nhau, tương thích với nhiều địa hình, nền ruộng lún lầy khác nhau nên khắc phục được tình trạng “kén” đất như của máy cấy đối với các nền ruộng sình lầy, không đảm bảo độ cứng cho máy hoạt động.

Ngoài ra, máy sạ cụm còn có năng suất làm việc cao hơn (6–8-10 ha/ngày tùy loại) so với máy cấy chỉ đạt 3–4 ha/ngày, giúp đẩy nhanh lịch thời vụ xuống giống tập trung, né rầy, là yêu cầu của sản xuất lúa vùng ĐBSCL. Với ý nghĩa này, có thể nói máy sạ cụm đã làm được cuộc “cách mạng” trong giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ hiện nay, một điều mà ngành nông nghiệp và nhiều địa phương đã phát động nhiều năm, nhưng kết quả vẫn còn trong mong đợi.

Tags:
3.5 25 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
0.90753 sec| 832.836 kb