Việc giảm giống trong các điều kiện canh tác bất lợi vẫn đảm bảo năng suất nếu bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp. Đây là cơ sở để mô hình Canh tác lúa thông minh tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới, nhất là bối cảnh giá vật tư đầu vào đang biến động tăng cao như hiện nay.
Điểm sáng giữa vùng đất nhiễm phèn
Trà Vinh, Sóc Trăng và Cà Mau là 3 địa phương có điều kiện canh tác lúa tương đối bất lợi, đất nhiễm phèn, nhiễm mặn và nhiều vùng canh tác lúa phụ thuộc vào nước trời nên việc áp dụng gói kỹ thuật sẽ khó khăn, trong đó có việc giảm lượng giống gieo sạ như chương trình đề ra. Tuy nhiên, với việc áp dụng gói kỹ thuật đồng bộ, nên lượng giống gieo sạ giảm từ 20-70kg/ha, năng suất tăng từ 100-600kg/ha và lợi nhuận tăng thêm từ 3,1 đến 3,27 triệu đồng/ha.
Vụ mùa Hè Thu 2021 ở ĐBSCL đạt năng suất cao nhờ áp dụng mô hình Canh tác lúa thông minh. (Ảnh chụp trước ngày 9/7/2021)
Cụ thể tại Trà Vinh, mô hình được thực hiện tại ấp Giồng Tranh (xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần) với giống lúa OM 18 bằng phương pháp sạ hàng. Lượng giống gieo sạ trong mô hình sử dụng 80kg/ha, giảm 70kg/ha; Lượng phân bón nguyên chất giảm 44,5kg/ha Đạm, 37,4kg/ha Lân, 49,5kg/ha Kali; Số lần phun thuốc BVTV giảm 2 lần so với đối chứng. Năng suất trong mô hình đạt 6,2tấn/ha, tăng 100kg/ha; Lợi nhuận đạt hơn 14,8 triệu đồng/ha, cao hơn 3,24 triệu đồng/ha so với đối chứng.
Tại Sóc Trăng, Mô hình được thực hiện tại ấp Phước An B, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú với giống lúa OM18. Với lượng giống gieo sạ trong mô hình sử dụng 100kg/ha, giảm 20kg/ha; Lượng phân bón nguyên chất giảm 12,8kg/ha Đạm, 3,1kg/ha Lân; Số lần phun thuốc BVTV giảm 1 lần so với đối chứng. Năng suất trong mô hình đạt 6,142tấn/ha, tăng 207kg/ha; Lợi nhuận đạt 14,8 triệu đồng/ha, cao hơn 3,276 triệu đồng/ha so với đối chứng.
Cố vấn chương trình và cán bộ kỹ thuật cùng trao đổi bàn tròn với nông dân tại Mô hình Sóc Trăng
Tại Cà Mau, mô hình được thực hiện tại HTX DVNN ấp Rạch Lùm B (xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời) với giống lúa Đài Thơm 8 bằng phương pháp sạ lan. Lượng giống gieo sạ trong mô hình sử dụng 90kg/ha, giảm 30kg/ha; Lượng phân bón nguyên chất giảm 20,17kg/ha Đạm, 7,7kg/ha Kali; Số lần phun thuốc BVTV giảm 1 lần so với đối chứng. Năng suất trong mô hình đạt 5,86tấn/ha, tăng 610kg/ha; Lợi nhuận đạt 16,7 triệu đồng/ha, cao hơn 3,1 triệu đồng/ha so với đối chứng.
Người nông dân hiện đại
Có một điều rất đặc biệt, tức là thông qua các chương trình tổng kết thực hiện mô hình ở các tỉnh ĐBSCL, ai cũng có thể nhận thấy người nông dân ngày càng tiếp cận và vận dụng hiệu quả các ứng dụng khoa học vào công việc của mình để có được những mùa lúa bội thu, góp phần nâng cao chất lượng của chính nền nông nghiệp nước nhà.
GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ (phải) và TS. Hồ Văn Chiến (trái) - Ban cố vấn chương trình
Đích ngắm của nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai gần cũng chính là tất cả người nông dân đều được trang bị kiến thức tiên tiến, thành thạo và làm chủ công nghệ trên ruộng đồng và tự tin hội nhập với quốc tế.
Người nông dân ngày càng làm chủ công nghệ trên ruộng đồng. (Ảnh chụp trước ngày 9/7/2021)
Ông Phan Văn Tâm – Giám đốc Marketing Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết: “Chúng tôi rất ấn tượng khi chứng kiến bà còn nông dân tích cực tham gia hội thảo, livestream trực tuyến rất thông thạo. Đối với họ - những người nông dân hiện đại – không gì có thể làm khó được, một khi ai cũng chủ động nghiên cứu, ứng dụng và nhận ra tính hiệu quả của công nghệ. Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đang cùng với bà con nông dân dần dần ứng dụng số vào canh tác. Thông qua Chương trình Canh tác lúa thông minh này, bà con nông dân đã tiếp cận đến chương trình số, ứng dụng công nghệ số và điều đó có lợi cho một tương lai tươi sáng của nông nghiệp ĐBSCL”.