Theo số liệu báo cáo tại diễn đàn Khuyến nông trực tuyến “Chủ động giảm lượng giống - phân bón để giảm giá thành sản xuất lúa trong tình hình dịch Covid-19” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ Thực vật tổ chức diễn ra ngày 19/8.
Sử dụng giống, phân bón và thuốc BVTV vừa đủ sẽ giảm bớt chi phí giá thành sản xuất lúa và đem lại lợi nhuận cao hơn cho bà con nông dân
Ông Lê Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, theo số liệu của Bộ Tài Chính thì bình quân giá thành (tạm tính) sản xuất vụ lúa Hè Thu năm 2021 ở ĐBSCL là 3.728 đồng/kg, tăng 143 đồng/kg so với vụ Hè Thu năm 2020, tương đương tăng 143.000 đồng/tấn.
Hiện nay, diện tích vụ Hè Thu năm 2021 toàn vùng ĐBSCL đã xuống giống được 1,5 triệu héc ta, trong đó, đã thu hoạch được 820.000 héc ta với năng suất bình quân 5,67 tấn/héc ta, sản lượng tương đương đạt trên 4,6 triệu tấn.
“Với năng suất bình quân như nêu trên, thì diện tích 1,5 triệu héc ta đã xuống giống của vụ Hè Thu năm 2021, toàn vùng ĐBSCL sẽ thu hoạch được trên 8,5 triệu tấn lúa. Trong khi đó, mỗi tấn lúa vụ Hè Thu năm 2021 có chi phí sản xuất tăng 143.000 so với cùng kỳ, làm một phép tính cho toàn vùng có thể thấy được con số tăng thêm về chi phí sản xuất vụ Hè Thu năm 2021 là hơn 1.200 tỉ đồng so với cùng kỳ”, ông Tùng nhấn mạnh.
Giá thành sản xuất lúa Hè Thu năm 2021 tại ĐBSCL tăng 1200 tỷ đồng do nhiều yếu tố
Theo ông Lê Thanh Tùng, biểu đồ chi phí sản xuất vụ Hè Thu năm 2020 của thành phố Cần Thơ cho thấy, trong giá thành sản xuất lúa, thì chi phí lao động chiếm 28%; chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chiếm 38% (phân bón chiếm 22%); giống chiếm 9%; thu hoạch 11%, làm đất 8% và còn lại là các chi phí khác.
Để giảm chi phí giá thành sản xuất, đầu tiên phải giảm giống vì nó sẽ kéo theo giảm các chi phí khác như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. “Chúng ta giảm giá thành của từng miếng bánh trong chiếc bánh (như trong biểu đồ - PV), thì chi phí sản xuất sẽ nhỏ lại”, ông nói.
Ông Lê Văn Thiệt, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện nay các tỉnh ĐBSCL đã áp dụng các khuyến cáo của ngành nông nghiệp như: “Ba giảm ba tăng”; “Một phải năm giảm”,… rất tốt. Tuy nhiên, do tập quán canh tác của người nông dân ĐBSCL còn sạ quá nhiều giống dẫn đến chi phí giống, phân bón, thuốc BVTV cao hơn, từ đó làm tăng chi phí giá thành sản xuất.
Bà con nông dân cần áp dụng các biện pháp "3 giảm 3 tăng"; "1 phải 5 giảm" của ngành nông nghiệp để giảm giá thành sản xuất lúa giúp tăng lợi nhuận cho người trồng lúa
“Việc kéo giảm giá thành sản xuất, không chỉ có ý nghĩa cho người nông dân mà còn giúp doanh nghiệp có sản phẩm với giá cạnh tranh hơn khi xuất khẩu. Giảm được chi phí không chỉ để nông dân có lợi nhuận cao hơn mà còn giúp doanh nghiệp có sản phẩm với giá thành cạnh tranh”, ông Thiệt nhấn mạnh.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, cũng đã gửi công văn đến Tổ công tác 970 của Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra các mặt hàng vật tư nông nghiệp trong tình hình dịch Covid-19. Theo ông Nam, phân DAP Đình Vũ cũng có mức tăng 67,3%; phân NPK Bình Điền loại 16-16-8+13S tăng 24,3%; phân SA bột nhập khẩu Trung Quốc tăng 60,6%; phân DAP nhập khẩu Trung Quốc tăng 50%; phân Kali miểng nhập từ Israel tăng gần 73%...
Nếu chúng ta không tuyên truyền và hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các giải pháp giảm giống, giảm phân bón, thuốc BVTV một cách hoa học thì không chỉ chịu chi phí giá thành sản xuất tăng cao như hiện nay, bên cạnh đó việc giá lúa gạo giảm mạnh vào thời điểm hiện tại so với hồi đầu năm, đã khiến nông dân ĐBSCL bị thiệt hại từ 1.800-2.200 đồng/kg lúa, nếu so với tổng sản lượng và diện tích của toàn vùng ĐBSCL thì mức thiệt hại lên đến cả chục ngàn tỷ đồng do giá lúa giảm.