Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, sở dĩ có cuộc họp hôm nay là để các bên cùng nhau giải quyết hai vấn đề. Thứ nhất là, làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích của nông dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia. Thứ hai là, đảm bảo quyền lợi cho các hộ nông dân đã tự phát triển giống thanh long ruột đỏ LĐ1 trước thời điểm giống này được Viện Cây ăn quả miền Nam chuyển giao bản quyền cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt phát biểu tại cuộc họp
Chỉ thu phí bản quyền thị trường Nhật Bản – Hàn Quốc
Chia sẻ tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit - đơn vị đã mua bản quyền giống thanh long ruột đỏ LĐ1 của Viện cây ăn quả Miền Nam từ năm 2017 cho biết, ngoài thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, nếu doanh nghiệp và nông dân cần chứng minh truy xuất nguồn gốc, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ chia sẽ bản quyền không thu phí trong thời gian 5 năm tính từ thời điểm hiện tại.
Đối với thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, những nông dân nào đang trồng giống thanh long LĐ1 từ Viện cây ăn quả Miền Nam cung cấp cây giống trồng khảo nghiệm thì công ty chúng tôi sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cả hợp lý cho bà con nông dân theo tiêu chuẩn của thị trường Nhật Bản, cao hơn thị trường từ 20-30%. Với những hợp tác xã nào có sử dụng giống LĐ1 này muốn mở rộng sản xuất, có nhu cầu xuất đi Nhật Bản thì công ty chúng tôi sẵn sàng tham gia hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn thi trường Nhật Bản và bao tiêu sản phẩm.
Đại diện Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit cũng sẵn sàng chia sẽ bản quyền cho các doanh nghiệp đầu tư cho các tỉnh trên lãnh thổ Việt Nam xuất khẩu thanh long LĐ1 vào thị trường Nhật Bản với mức phí mà đơn vị này đưa ra là từ 5000 đến 15.000 tấn là 30 đồng/kg; 15.000 đến 20.000 tấn là 20 đồng/kg; từ 25.000 tấn trở lên là 10 đồng/kg
Hiện nay cả nước có hàng chục nghìn héc ta trông thanh long ruộc đỏ, chủ yếu là ở Long An, Tiền Giang và Bình Thuận
“Doanh nghiệp nào muốn xuất khẩu thì công ty chúng tôi sẵn sàng kết hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh/thành, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ cùng với chính quyền địa phương, gặp gỡ bà con nông dân ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cả cam kết với giá 40.000 đồng/kg trở lên và đặt cọc 30% với sự chứng kiến 3 bên (Lãnh đạo tỉnh, Công ty Hoàng Phát và công ty muốn xuất khẩu). Có như vậy chúng ta mới có thể kiểm soát được nguồn giống tránh tình trạng đại trà, tràn lan gây mất uy tín thị trường nước ngoài mà nông dân sản xuất cũng có lợi, có lời, giữ được giá cao, xuất khẩu đạt giá trị tốt, và cạnh tranh lành mạnh.” Bà Thoa cho biết thêm.
Việc mua bán bản quyền giống là hoàn toàn hợp pháp
Chia sẻ tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, Giống thanh long ruột đỏ LĐ1 được Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo, khảo nghiệm và được Bộ NN&PTNT công nhận tạm thời, cho phép sản xuất thử tại các tỉnh phía Nam theo Quyết định số 3277/QĐ/BNN-KHCN ngày 23/11/2005; được cấp bằng bảo hộ số 87/QĐ-TT-VPBH ngày 09/5/2017 và được cấp sửa đổi số 33/QĐ-TT-VPBH ngày 27/02/2020.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 10 Quyết định số 95/2007/QĐ-BNN ngày 27/11/2007 của Bộ NN&PTNT về việc ban hành quy định về công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới, một trong những điều kiện để được công nhận giống chính thức thì giống LĐ1 phải được sản xuất thử nghiệm với quy mô diện tích tối thiểu là 50 ha. Để đáp ứng được điều kiện này, Viện đã giao cho Công ty tư vấn đầu tư và phát triển nghề vườn (đơn vị trực thuộc Viện) phối hợp với một số hộ nông dân để cùng tổ chức sản xuất thử. Do quy mô diện tích quá lớn, nguồn lực tài chính còn hạn hẹp, không có nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, khi tổ chức sản xuất thử nghiệm giống LĐ1, Viện đã có chủ trương thu một phần kinh phí của các hộ nông dân tham gia nhằm bù đắp một phần chi phí sản xuất giống và do đó vẫn phải xuất hóa đơn để đảm bảo các quy định về hóa đơn bán hàng của đơn vị kinh doanh nhưng không coi hoạt động này có tính thương mại.
Đến năm 2013, sau khi quy chuẩn Việt Nam về khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định (DUS) được ban hành, Viện đã tiến hành khảo nghiệm DUS để đăng ký bảo hộ giống theo quy định. Đến tháng 11/2016, sau khi kết thúc khảo nghiệm DUS, Viện đã nộp đơn xin bảo hộ giống LĐ1.
Cuộc họp thông tin về giống thanh long ruột đỏ LĐ1 do Cục Trồng trọt chủ trì đã thu hút được nhiều cơ quan, đơn vị quan tâm
Vào thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng đối với giống LĐ1, giống LĐ1 chưa được công nhận chính thức và chưa có tên trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Đối chiếu với quy định tại khoản 2, Điều 6 Thông tư số 16/2013/TT-BNN của Bộ NN&PTNT về việc hướng dẫn bảo hộ quyền đối với giống cây trồng “giống cây trồng được coi là không còn tính mới và không đủ điều kiện được đăng ký bảo hộ sau mười hai (12) tháng kể từ ngày giống có tên trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam”, Viện nhận thấy giống LĐ1 vẫn đảm bảo tính mới theo quy định.
Về nội dung chuyển giao quyền sở hữu giống cây trồng nói chung và giống Thanh long LĐ1 nói riêng, ông Sơn cho rằng, Luật Sở hữu trí tuệ số 05/2005/QH11 được sửa đổi bổ sung năm 2013 và 2019 quy định tại điều 164 và Điều 6 Nghị định 88/2010/NĐ-CP ngày 16/8/2010: "Giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển toàn bộ bằng ngân sách nhà nước thì tổ chức trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng đó được Nhà nước giao quyền chủ sở hữu; là chủ đơn đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng và được thực hiện quyền của chủ bằng bảo hộ quy định tại Điều 186 Luật Sở hữu trí tuệ".
Khoản 3 và 4, Điều 164, Luật SHTT sửa đổi số 07/2022/QH15 ngày 16/6/2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 quy định về đăng ký quyền đối với giống cây trồng như sau: “Đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký giống cây trồng được giao cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ đó một cách tự động và không bồi hoàn”. Tại điểm C, Khoản 2 Điều 164 cũng quy định rõ Tổ chức, cá nhân được chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền đăng ký bảo giống cây trồng.
Mặt khác, từ năm 2013, Bộ NN&PTNT cũng đã có Thông tư 43/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/10/2013 quy định tại khoản 1, Điều 6: “Tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài, dự án có sản phẩm trí tuệ (giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, quy trình công nghệ, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, phát minh sáng chế) phải đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ và phải đăng ký với Bộ NN&PTNT để được công nhận là tiến bộ kỹ thuật mới…”
Về quy định chia sẻ bản quyền, ông Sơn cho biết, Điều 186 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và 2013 quy định: “Chủ bằng bảo hộ có quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng các quyền sau đây liên quan đến vật liệu nhân giống của giống đã được bảo hộ: a) Sản xuất hoặc nhân giống; b) Chế biến nhằm mục đích nhân giống; c) Chào hàng; d) Bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường khác; đ) Xuất khẩu; e) Nhập khẩu; g) Lưu giữ để thực hiện các hành vi nói trên”.
Điều 22và23 Luật Trồng trọt năm 2018; Điều 8, NĐ94/2019 quy định: “Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng phải có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng”.
Bước đầu đồng thuận
Qua sự chia sẻ của các chuyên gia, các nhà quản lý, các đại biểu tham dự cuộc họp đã dần hiểu được sự cần thiết của việc bảo hộ bản quyền giống cây trồng, việc Viện Cây ăn quả Miền Nam chuyển giao bản quyền giống LĐ1 cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit và công ty này tiến hành các hoạt động bảo hộ bản quyền là đúng pháp luật, tuy nhiên cũng cần có sự chia sẻ lợi ích liên quan đến bản quyền giống LĐ1 trong bối cảnh nông dân ở nhiều địa phương tự ý nhân ra trồng trên diện tích lớn từ trước năm 2017, từ đó góp phần cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung và cây thanh long nói riêng.
Phía Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit cũng đã ghi nhân những thông tin chia sẻ tại cuộc họp và sẽ ban hành văn bản nêu rõ về các bước tiếp theo của việc chia sẻ bản quyền, mức giá đối với giống thanh long LĐ1 mà công ty đã chuyển nhượng, gửi đến các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như chính quyền các địa phương trồng thanh long để làm sao hài hòa được lợi ích giữa các bên và nâng cao giá trị xuất khẩu cho nông sản nói chung và thanh long nói riêng.
Ông Nguyễn Như Cường đánh giá cao tinh thần chia sẻ lợi ích một cách minh bạch, rõ ràng của Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit khi tuyên bố chỉ thu phí bản quyền với thanh long ruột đỏ LĐ1 xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản với mức phí phù hợp, còn lại là miễn phí trong 5 năm khi xuất sang các thị trường khác.