Tìm một địa chỉ uy tín để mua một cây son chất lượng. |
Là con gái ai cũng muốn bản thân mình xinh đẹp, một làn da sáng, một đôi môi xinh xắn và quyến rũ, thế nên, con gái thường thích làm đẹp, mua đủ thứ mỹ phẩm về để chăm sóc da, chăm sóc môi. Thế cho nên, các loại son môi, son dưỡng cứ thế kéo lên bàn trang điểm trong nhà.
Ngoài những loại son chính hãng, có thương hiệu thì trên thị trường cũng không ít son trôi nổi, không rõ nguồn gốc, mà đa phần chị em thường mua phải bởi giá rẻ, quảng cáo "mùi" nên chị em tin, mà không hề biết rằng son đó có thật sự tốt cho môi của mình không hay ngược lại thêm nguy hiểm.
Nhìn những quảng cáo với hình ảnh đẹp không chê được, chị em nào không mê có một đôi môi như mấy cô người mẫu trên hình, cho nên sẵn sàng bỏ một số tiền để mua mà không tìm hiểu kĩ trước nguồn gốc. |
Vì đối tượng khách hàng chính thường là những bạn gái trẻ, học sinh, sinh viên… Vì nhu cầu làm đẹp nhưng điều kiện tài chính eo hẹp, những đối tượng khách hàng này dễ dàng chấp nhận nghe theo lời mời chào, hứa hẹn đầy hấp dẫn của người bán mà không mấy quan tâm về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm.
“Chiêu” phổ biến nhất của người bán là mua dược liệu, mỹ phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc (vì giá rất rẻ), “hô biến” chúng thành “Hàng chính hãng”, “Hàng xách tay về từ nước ngoài” hoặc “được bào chế theo công thức bí truyền” kèm thêm những lời quảng cáo có cánh khác để chinh phục khách hàng.
Những mặt hàng này thường được bán với giá cao hơn gấp nhiều lần chi phí bỏ ra nhưng vẫn rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm chính hãng cùng loại trên thị trường, Vậy là tin tưởng vào những trang bán hàng không chính thống, dẫn đến tiền mất tật mang, mua bực vào mình.
Sự việc gần đây nhất là của bạn Thanh Tú, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội bị lừa mua son nhái trên group Hội mê son. Theo đó, Tú dành dụm quyết mua một cây son xịn cho bằng bạn bè. Ẵm “một em” Tom Ford giá 1.590.000 đồng, cho dù giá niêm yết là 1.690.000 đồng.
Lại còn được khuyến mại thêm cây son lì Bourjois với giá 180.000 đồng. Hí hửng khoe bạn bè thì ngay lập tức chuyên gia son trong đám bạn thân của Tú “bóc phốt” rằng cây son tặng hoàn toàn là đồ rởm. Rồi từ đó, tất cả bán tín bán nghi về cây Tom Ford và khi tìm hiểu thì y như rằng, cả đồ mua lẫn đồ khuyến mại đều là hàng nhái. Tiếc tiền nhưng lo sợ những chất độc hại trong cây son rởm sẽ hủy hoại môi mình, cuối cùng Tú đành phải bỏ đi cả hai.
Làm sao để mua được mỹ phẩm, son môi chất lượng?
"Đến địa chỉ có uy tín, thương hiệu nổi tiếng để mua, bởi những nơi uy tín có thể giá cả sẽ mắc hơn những nơi khác nhưng bạn có thể yên tâm vì chất lượng". Chị Ngân - Nhân viên bán hàng của hãng Skin Food cho biết.
Theo chị Tuyết - Nhân viên bán mỹ phẩm của hãng Yves Rocher (Pháp), khách hàng thường ưa rẻ nên đôi khi mua phải hàng nhái, hàng giả. Theo chị, khách hàng nên đến tận cửa hàng của những hãng mỹ phẩm uy tín để mua, hoặc nếu mua trên web hay facebook của hãng cũng cần kiểm tra kĩ lưỡng địa chỉ xem có đúng là cửa hàng uy tín hay không để tránh tình trạng bị lừa. Bởi trên các trang facebook có không ít những page chuyên nhái lại hãng và chất lượng thì chưa từng được kiểm chứng".
Còn theo một bạn chủ shop Son môi an toàn trên facebook cho biết, "thông thường nếu là loại son tốt thì bạn không nên dùng son lì, vì son lì thường chứa chì, tuy bền màu nhưng sẽ làm thâm môi, không tốt cho môi của bạn. Điều quan trọng nhất là không mua son có thương hiệu nước ngoài ở trên mạng, tốt nhất là nên vào cửa hàng uy tín. Có thể tìm đến son handmade sử dụng vì nó khá an toàn nếu bạn biết địa chỉ chất lượng.
"Muốn nhận biết son có chì nhiều hay ít, khi mua có thể thoa lớp son mỏng lên tay, dùng nhẫn vàng chà nhẹ lên lớp sơn. Nếu son có độ chì lớn, màu son trên tay sẽ chuyển sang màu xám. Độ xám càng đậm chứng tỏ son càng nhiều chì", chị cho biết thêm.
Đôi môi trở nên xấu xí vì sử dụng son không rõ nguồn gốc và có chứa nhiều chì. (Ảnh: Internet) |
Nhân viên của các hãng mỹ phẩm chất lượng như Skin food, Yves Rocher, Canmake, Beatiful Buffet hay Tony Moly... cũng khuyên khách hàng nên tới địa điểm chính hãng để mua được sản phẩm tốt hợp với túi tiền và an toàn cho sức khỏe. Không nên ham rẻ, dù cho là hàng xách tay, nhưng nhiều khi vẫn không tin tưởng về nguồn gốc, vì vậy khó phân định thật giả.
"Để đảm bảo lợi ích của bản thân, những khách hàng thường xuyên mua mỹ phẩm online tốt nhất chỉ mua hàng tại các nhà phân phối chính hãng, có địa chỉ rõ ràng và có chính sách đổi trả hàng đầy đủ. Bên cạnh đó, khi mua mỹ phẩm người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng, học cách phân biệt đâu là hàng thật và đâu là hàng nhái, giả".
Đối với những sản phẩm có uy tín, chất lượng, thường trên mỗi sản phẩm đều có tem chống hàng giả. Trên bao bì của sản phẩm có in mã vạch, đối với sản phẩm dạng tuýp, phần đuôi sẽ có mã vạch và hạn sử dụng đóng nổi. Bao bì, nhãn mác của hàng thật được làm từ giấy có chất lượng tốt, vỏ thủy tinh (nhựa) bóng đẹp, sắc nét, được cán sắc sảo. Logo và chữ sắc cạnh, đều màu không lem nhem và dây mực. Có tem chống hàng giả của Bộ Công an.
Tem vàng chống hàng giả của son môi Skin Food. |
Tem chống hàng giả của Bộ Công An trên son môi của hãng Yves Rocher. |
Tem chống hàng giả của hãng Tony Moly (Nhật Bản). |
Ngoài tem chống giả của Bộ Công An, trên sản phẩm của Yves Rocher đều có một ký hiệu riêng, đó là chữ "R" để phân biệt với hàng nhái. |
Đối với hàng giả hầu hết không có mã vạch, nếu có thì chỉ là mảnh giấy dán vào. Kiểu trình bày, in ấn không rõ ràng, giấy có chất liệu xấu, chữ quá nhỏ hoặc quá to, mờ hoặc dễ bị bong tróc, rách. Không có tem chống hàng giả của Bộ Công an. Các sản phẩm nhái thường biến đổi tên gần giống với tên sản phẩm thật, thay vì Lancôme thì là Lamcome, ShinBing thì là ShingBing, Shiseido thì là Shiseiddo…
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bạn, tốt nhất hãy tìm hiểu sản phẩm, thương hiệu, chất lượng, ý kiến người đã từng sử dụng, đừng lo mua phải sản phẩm mắc nếu bạn vào một nơi uy tín. Bởi hậu quả sẽ lớn hơn và bạn sẽ tốn nhiều tiền hơn nếu vì ham rẻ mà mua hàng trôi nổi, không nguồn gốc rõ ràng.
Chì trong son môi độc như thế nào? Ít người biết trong thành phần của nhiều loại son có chứa chì - kim loại độc có thể gây ngộ độc và cả những rối loạn về ngôn ngữ, hành vi và trí tuệ. Nhiều nghiên cứu cho thấy chì là một chất độc thần kinh và có thể nguy hiểm ngay cả với liều lượng rất nhỏ. Không phải tất cả son môi đều chứa chì, song nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra kim loại độc hại này có mặt trong son môi nhiều hơn mức mọi người thường nghĩ, làm tăng độ bám dính. Son càng nhiều chì thì càng bám dính lâu. Theo bác sĩ Lộc, kim loại chì sử dụng trong son môi dù với một lượng rất nhỏ sẽ dễ dàng đi vào cơ thể khi được nuốt vào hay hấp thu qua da môi. Các chuyên gia da liễu khuyến cáo, chì không phải là kim loại độc hại duy nhất mà nhiều người đang tự tay thoa lên môi của mình mà còn rất nhiều độc chất khác trong son môi. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học California thử nghiệm 8 loại son môi và 24 loại kem làm bóng môi. Kết quả phát hiện 9 kim loại độc hại, bao gồm crôm, cadimi, nhôm, mănggan và chì. Các nhà sản xuất son môi cho rằng hàm lượng chỉ trong son là rất nhỏ nên không nguy hại, nhưng thực ra họ đang phớt lờ thực tế là những người sử dụng son môi thường xuyên sẽ tích lũy độc chất trong một thời gian dài. Nếu chỉ sử dụng son môi một lần trong ngày thì không có gì nguy hại, và tin tốt lành là không phải loại son môi nào cũng chứa chì. Tuy nhiên, nếu dùng son môi từ 2 đến 14 lần mỗi ngày tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Ước tính, trung bình mỗi ngày phụ nữ thoa son đã nuốt vào 84 mg son. |