Nhận biết sản phẩm GMO qua mã code. |
Cây trồng biến đổi gen bắt đầu được trồng đại trà cách đây 20 năm. Hiện đang có hơn 18 triệu nông dân tại 29 nước trồng loại cây này với tổng diện tích hơn 180 triệu ha.
Cây trồng biến đổi gen mang lại nguồn thu khổng lồ với 16 triệu đô la Mỹ, tức là hơn 1/5 giá trị nông sản toàn cầu. Hiện có khoảng 100 quốc gia cho phép tiêu thụ thực phẩm biến đổi gen, trong đó có 29 quốc gia cho phép trồng cây biến đổi gen.
TS Phạm Văn Toản - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nó có nguy cơ gây hại với môi trường và sức khỏe cho người. Cây trồng biến đổi gen vừa giảm được thuốc trừ sâu lại tăng năng suất mà không giảm đi giá trị dinh dưỡng của cây.
GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam cho biết, cây trồng công nghệ sinh học, ví dụ như ngô, là loại giống cây trồng được cấy gen trừ sâu của vi khuẩn Bacilus thuringiensic (Bt), đây là loại vi khuẩn được dùng để làm thuốc trừ sâu sinh học.
Thuốc trừ sâu sinh học khác hẳn thuốc trừ sâu hóa học, vì nó rất an toàn, chứa độc tố chỉ có tác hại với sâu mà không có tác hại với người, gia súc, gia cầm.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, cây trồng biến đổi gen hoàn toàn an toàn, không có tác hại gì tới con người, cho tới nay không có công trình nào cho thấy sự mất an toàn của sản phẩm này.
TS. Hoàng Khánh Hòa, hiện đang nghiên cứu sau tiến sĩ, chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp tại tại Mỹ đã có những nhận định về vấn đề liên quan tới thực phẩm biến đổi gen từ góc nhìn của những người tiêu dùng Mỹ.
Theo TS Hoàng Khánh Hòa: GMO tốt hay không tốt? Nếu tốt thì ở điểm nào và nếu không tốt thì cũng ở điểm nào? Đây hoàn toàn là những câu hỏi định tính vì nó còn tùy thuộc vào bạn đứng ở đâu – dưới góc độ của người tiêu dùng, người ra chính sách, hay người nông dân.
Nhiều người cho rằng quy trình kiểm định an toàn thực phẩm ở Mỹ rất khắt khe, vậy chắc hẳn GMO phải an toàn thì FDA – Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và thuốc mới cho phép GMO được bán trên thị trường Mỹ cả gần hai mươi năm nay.
Về cơ bản các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường phải đạt được các tiêu chí kiểm định mà FDA đưa ra. Tuy nhiên, thực phẩm biến đổi gene lại là một ngoại lệ.
Đang sinh sống tại Mỹ, TS Hoàng Khánh Hòa cho biết, đa số người Mỹ cũng không biết rằng FDA không thông qua quy trình kiểm tra an toàn đối với thực phẩm biến đổi gen như đối với các loại thực phẩm thông thường khác. Sự thật này chỉ được phanh phui sau khi luật sư Steven Drucker cùng các cộng sự của mình kiện FDA vào năm 1998.
Các tài liệu mà FDA đưa ra theo yêu cầu của tòa án đã cho thấy FDA bỏ qua quy trình kiểm định an toàn đối với GMO bán ở Mỹ mặc dù vẫn nói rằng thực phẩm biến đổi gen là an toàn so với các thực phẩm truyền thống cùng loại. Do tòa chưa có phán quyết cuối cùng nên FDA vẫn chưa thay đổi các thông báo trên trang web chính thức cũng như thừa nhận đã vi phạm luật khi bỏ qua quy trình kiểm định đối với GMO.
Có ý kiến cho rằng việc FDA bỏ qua quy trình kiểm định an toàn thực phẩm cũng không quá đáng lo. Lý do là cho đến hiện tại thì các nghiên cứu đều không cho thấy một xu hướng rõ ràng nào thể hiện thực phẩm biến đổi gen có hại đối với sức khỏe con người.
Theo TS Hòa, dựa vào nghiên cứu khoa học và nhất là các nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học uy tín là một trong những tiêu chí đánh giá khách quan không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, các nghiên cứu liên quan đến GMO và đặc biệt là nghiên cứu về tính an toàn của GMO vấp phải một “hòn đá tảng” lớn, đó là quyền sở hữu trí tuệ mà các công ty giống GMO lớn như Monsanto, Syngenta đang được bảo hộ và sử dụng triệt để để hạn chế các nghiên cứu không có lợi cho họ.
Các nghiên cứu hiện tại cũng chủ yếu dừng ở mức độ ngắn hạn (thí nghiệm 90 ngày trên chuột) chứ gần như chưa có một nghiên cứu nào đánh giá tác động của việc sử dụng GMO trong dài hạn đối với người.
Tuy vậy, một vài con số thống kê gần đây ở Mỹ cho thấy tỉ lệ số người bị dị ứng thực phẩm, tự kỷ, ung thư và một số bệnh mãn tính liên quan tới thận, cao huyết áp… tăng song song với lượng glyphosate sử dụng trong thuốc trừ sâu RoundupReady dùng cho ngô và đậu tương trong suốt 20 năm qua.
Hầu hết các chuyên gia, nhà nghiên cứu của Việt Nam cho rằng, thực tế chưa ghi nhận bất cứ một trường hợp nào bị tác động hay ảnh hưởng tiêu cực nào của thực phẩm biến đổi gen, tuy nhiên, người tiêu dùng có quyền được biết sản phẩm nào biến đổi gen, sản phẩm nào là sản phẩm thường để họ lựa chọn.
Cách đơn giản nhất để nhận biết thực phẩm biến đổi gen GMO là thông qua mã code, những loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm định và được dán nhãn rõ ràng để phân biệt với sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Cụ thể, nếu trên nhãn dán chỉ có 4 chữ số và con số bắt đầu là “4” hoặc “3” có nghĩa là sản phẩm được trồng theo phương pháp thông thường có sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón.
Nếu trên miếng dán có 5 chữ số và được bắt đầu là số “8” có nghĩa rằng đây là sản phẩm GMO (Genetically Modified Organism) tức là biến đổi gene.
Nếu trên miếng dán có 5 chữ số và được bắt đầu là số “9” có nghĩa rằng đây là sản phẩm canh tác hữu cơ (organic).