Theo Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam(Vasep), kể từ quý II/2018, xuất khẩu tôm liên tục sụt giảm so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, tháng 9/2018, xuất khẩu tôm giảm 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái đạt gần 332 triệu USD.
Do sụt giảm trong quý II và quý III năm nay, xuất khẩu tôm của cả nước trong 9 tháng đầu năm nay đạt 2,6 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2017.
Xuất khẩu tôm 9 tháng đầu năm giảm mạnh.
Nguyên nhân được xác định, xuất khẩu tôm giảm do nguồn cung tôm nuôi từ các nước sản xuất chính trên thế giới vẫn lớn nên giá tôm thế giới gần như không tăng, thậm chí một số quốc gia phải bán giá thấp vì cạnh tranh lớn. Mặt khác, các rào cản thương mại và biện pháp bảo hộ ngành sản xuất trong nước từ các thị trường xuất khẩu chính ngày càng tăng cũng khiến tôm Việt Nam gặp khó.
Tỷ giá cũng là một yếu tố tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu. USD tăng mạnh so với một số đồng tiền khác khiến các nhà nhập khẩu buộc phải giảm giá mua tôm. Giá mặt hàng này gần đây có xu hướng nhích lên nhưng không đủ để bù đắp so với tác động của việc USD tăng giá, VASEP cho biết.
Được biết, EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 24,7% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Hai quý đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang EU tăng trưởng mạnh trong bối cảnh xuất khẩu tôm sang các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản sụt giảm. Tuy nhiên, bước sang quý III năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này bắt đầu sụt giảm. Nhưng nhờ tăng trưởng tốt trong 2 quý đầu năm nên xuất khẩu tôm sang thị trường này tính tới tháng 9 năm nay đạt 648,4 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017.
Anh, Hà Lan và Đức là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất tôm của Việt Nam trong khối EU. Chín tháng đầu năm nay, XK tôm sang cả 3 thị trường đều đạt tăng trưởng dương lần lượt 27,6%, 11,6% và 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tôm Việt Nam vẫn duy trì được những lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ lớn khác trên thị trường EU như Ấn Độ và Thái Lan. Hai đối thủ này của Việt Nam đang ngày càng giảm xuất khẩu sang EU do vướng phải những vấn đề về đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.
Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam, chiếm 18% tổng giá trị xuất khẩu tôm đi các thị trường. Sau khi xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm liên tục từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay, xuất khẩu sang thị trường này đã phục hồi tăng trưởng dương trong 2 tháng 8 và 9 năm nay. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong 9 tháng đầu năm nay đạt 472,4 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2017.
Kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (từ 1/2/2016- 31/1/2017) đã được giảm xuống mức 4,58%, giúp các doanh nghiệp tôm Việt Nam yên tâm đẩy mạnh bán hàng vào thị trường Mỹ trong thời gian tới, nhất là giai đoạn tập trung mua hàng từ các nhà nhập khẩu Mỹ phục vụ cho dịp lễ Tết cuối năm.
Hiện Mỹ là một trong những thị trường lớn nhập khẩu tôm Việt Nam với kim ngạch đạt trên 600 triệu USD/năm. Do đó, thuế chống bán phá giá giảm là điều kiện thuận lợi để tôm Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường này.
VASEP dự báo, nhu cầu thị trường tiêu thụ đang có những dấu hiệu chuyển động tốt. Nếu giá xuất khẩu tôm của Việt Nam và giá tôm thế giới được cải thiện thời gian tới, thì quý IV tôm Việt sẽ tăng trưởng dương, đưa kim ngạch cả năm vượt mốc 3,85 tỷ USD.