Giá vàng, thịt heo, rau xanh, xăng... đồng loạt tăng; trong khi giá tôm rớt không phanh. Ảnh minh họa
Giá vàng tăng nhẹ
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng trên thị trường quốc tế ở quanh ngưỡng 1.960 USD/ounce, giảm mạnh 12 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Số liệu việc làm tích cực trong tháng 6 và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trung bình 4 tuần giảm mạnh đã khiến giới phân tích cho rằng, k Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa dừng tăng lãi suất như dự báo trước đó. Có thể, Fed tăng 1 lần lãi suất 0,25% điểm cơ bản vào tuần sau và có thêm 1 lần tăng nữa.
Những dự báo kể trên được phân tích dựa trên quá khứ, khi năm 1979 tỷ lệ lạm phát đang giảm gần về mức mục tiêu thì Fed ngừng tăng lãi suất. Sau đó, lạm phát đã tăng nhanh lên mức 2 con số. Lần này chắc chắn Fed sẽ không muốn lặp lại điều đó.
Hơn nữa thị trường lao động vẫn khá tích cực, do đó sẽ khó làm Fed thay đổi quyết định thắt chặt tiền tệ của mình để kiềm chế lạm phát về mức mục tiêu.
Những phân tích trên đã thúc đẩy đồng USD tăng mạnh khiến giới đầu tư chốt lời vàng, đẩy giá kim loại quý giảm 2 phiên liên tiếp. Tuần qua, giá vàng thế giới biến động mạnh cả chiều tăng và giảm. Với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên cơ bản đi ngang, giá vàng thế giới có 1 tuần tăng giá nhẹ 7 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Trong nước, giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 66,5 – 67,2 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu 66,5 – 67,03 triệu đồng/lượng, niêm yết ngang giá cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã giảm 170.000 đồng/lượng vàng SJC.
Tuần qua, giá vàng trong nước đi theo xu hướng thế giới. Đã có phiên, giá vàng SJC tăng lên 67,4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, phiên chiều ngày 21/7 khi thị trường quốc tế giảm mạnh, vàng SJC cũng có nơi mất đến 200.000 đồng.lượng.
Kết tuần, giá vàng SJC tại Doji giảm 50.000 đồng/lượng và tại Bảo Tín Minh Châu cũng giảm đến 200.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Nhận định của một số doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc trong nước, giá vàng trong nước tuần qua chịu ảnh hưởng của giá vàng thế giới. Khi giá vàng SJC lên cao đến 67,4 triệu đồng/lượng, nhiều người mua tích trữ trước đó đã chốt lời đẩy giá vàng SJC giảm sâu chiều mua vào tại các doanh nghiệp, cơ sơ kinh doanh vàng.
Giá tôm rớt không phanh làm người nuôi lao đao
Ngày 18/7, bà Quách Thị Thanh Bình - chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng - cho biết giá tôm nguyên liệu những ngày qua tiếp tục giảm sâu. Hiện giá tôm thẻ cỡ 100 con/kg bán tại ao chỉ còn 60.000 đồng, giảm trên 45.000 đồng/kg so với cùng kỳ 2022.
Theo bà Bình, với giá tôm giảm mạnh như vậy, người nuôi tôm không dám mạo hiểm thả giống vì sợ bị lỗ.
"Thời điểm này năm 2022, Sóc Trăng thả nuôi tôm hết diện tích. Dự kiến năm nay Sóc Trăng thả nuôi tôm nước lợ khoảng 51.000ha. Tuy nhiên đến thời điểm này chỉ mới thả nuôi được chừng 70% diện tích. Người dân đang theo dõi giá tôm để quyết định có nên thả giống hay không", bà Bình cho biết.
Ông Nguyễn Văn Tèo - nông dân nuôi tôm ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng - cho biết chưa bao giờ giá tôm nguyên liệu giảm thê thảm như năm nay. Theo ông Tèo, từ đầu năm 2023 đến nay, giá tôm rớt không phanh khiến người nuôi lao đao.
"Nếu nuôi tôm giỏi, tỉ lệ thành công cao thì chi phí nuôi đạt cỡ 100 con/kg dao động 70.000 - 75.000 đồng. Trong khi giá bán hiện chỉ có 60.000 đồng/kg. Chưa nuôi đã nắm chắc lỗ, tội gì thả nuôi để mang nợ", ông Tèo nói.
Ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta - cho biết theo thông lệ và diễn biến vừa qua, hầu hết nhận định thị trường sẽ phục hồi vào nửa cuối năm.
"Thực tế đến giữa tháng 7 cho thấy thị trường có hồi phục từng bước nhưng còn chậm và giá tiêu thụ chưa cải thiện chút nào. Có thể nguồn cung tôm giá rẻ từ Ecuador dồi dào. Cần thời gian để nhìn nhận xu thế rõ nét hơn. Hy vọng thị trường cuối năm sẽ hồi phục, ngành thủy sản đạt mục tiêu đặt ra", ông Lực nhận định.
TP Hồ Chí Minh: Hàng hóa tăng giá theo lương
Khảo sát tại một số chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi ghi nhận giá nhiều mặt hàng thực phẩm tăng từ trước khi tăng lương cơ sở. Chị Vũ Kim Ngọc, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), cho biết giá mặt hàng này đã tăng cả tháng qua với mức tăng vài ngàn đồng/tuần. Tính đến thời điểm này, giá thịt heo tăng tổng cộng 5.000 - 10.000 đồng/kg so với tháng trước, do giá bán ở chợ đầu mối tăng kéo giá ở chợ lẻ lên theo.
Tại chợ Bình Khánh (TP Thủ Đức), tiểu thương Bùi Thị Yến cho hay giá bán hành lá đã tăng lên 100.000 đồng/kg, rau tần ô có giá hơn 70.000 đồng/kg, bó xôi 68.000 đồng/kg, ngò rí 90.000 đồng/kg...
Theo ông Lê Phúc Hậu, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh), heo mảnh gần đây tăng giá là do giá heo hơi tăng. Nếu tháng trước, giá heo mảnh chỉ khoảng 65.000 - 68.000 đồng/kg thì nay 72.000 - 74.000 đồng/kg. Thậm chí, có ngày lượng heo về chợ không đủ cung cấp cho thị trường nên giá heo mảnh "nhảy" lên 80.000 - 82.000 đồng/kg. Tương tự, giá các loại rau cũng tăng vài trăm đồng đến 1.000 đồng/kg so với tuần trước do ảnh hưởng của mưa bão khiến lượng hàng về chợ giảm khoảng 20%.
Với thực phẩm công nghệ, chủ một đại lý phân phối lớn trên đường Tháp Mười (quận 6) cho biết từ ngày 1/7, giá sữa, dầu ăn, nước mắm, nước tương, bột ngọt... giảm nhẹ do thuế suất thuế GTGT giảm 2%. Dù vậy, mức giá hiện tại vẫn tăng so với thời điểm năm 2022. "Những tháng đầu năm nay, Vinamilk lần lượt tăng giá các dòng sản phẩm sữa bột, sữa nước... khoảng 5%-15% trong khi thuế suất thuế GTGT gần đây mới giảm 2%" - chủ đại lý này dẫn chứng.
Đa số người bán hàng cho biết buộc phải tăng giá bán hàng hóa do giá mua vào cũng như chi phí vận chuyển, sinh hoạt... đều tăng.
Đại diện Ban Quản lý chợ đầu mối Bình Điền cho rằng giá các mặt hàng lương thực - thực phẩm tăng là phù hợp với xu hướng thị trường chung trên thế giới. Bên cạnh đó, hàng lương thực, thực phẩm của Việt Nam được xuất khẩu nhiều, phần nào ảnh hưởng đến sản lượng cung ứng cho thị trường nội địa. Các ban quản lý chợ cũng không loại trừ yếu tố tăng giá do tâm lý bởi theo thông lệ sau mỗi đợt điều chỉnh lương cơ sở, thị trường lại thiết lập mặt bằng giá mới. Lần này, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, tức tăng 20,8%, tạo hiệu ứng giá cả hàng hóa tăng tương ứng.
Giá xăng tăng hơn 1.200 đồng/lít
Tại kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 21/7), liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu như sau: Xăng E5 RON 92 tăng 1.220 đồng/lít; Xăng RON 95 tăng 1.295 đồng/lít; Dầu diesel tanwg 884 đồng/lít; Dầu hoả tanwg 869 đồng/lít; Dầu mazut tanwg 437 đồng/kg.
Theo đó: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.639 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 22.792 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 19.500 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 19.189 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 15.725 đồng/kg.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 21 lần điều chỉnh, trong đó 11 lần tăng, 7 lần giảm, và 3 lần giữ nguyên.