Theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 6/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 145 nghìn tấn, trị giá 335 triệu USD, tăng 1,9% về lượng và tăng 3,2% về trị giá so với tháng 5/2022, so với tháng 6/2021 tăng 13,3% về lượng và tăng 34,7% về trị giá.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt xấp xỉ 1,03 triệu tấn, trị giá 2,32 tỷ USD, tăng 21,7% về lượng và tăng 49,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 6/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước tính đạt mức 2.309 USD/tấn, tăng 1,3% so với tháng 5/2022 và tăng 18,9% so với tháng 6/2021.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.258 USD/ tấn, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu cà phê thu về hơn 2,3 tỷ USD. Ảnh: Hưng Liên
Xuất khẩu cà phê Việt Nam tăng mạnh do thị trường thế giới tăng nhu cầu trong khi nguồn cung giảm.
Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), tính chung 7 tháng đầu tiên của niên vụ 2021-2022 (từ tháng 10/2021), xuất khẩu toàn cầu tăng nhẹ 0,6% so với cùng thời điểm của niên vụ trước. ICO dự báo, thị trường cà phê toàn cầu sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao cho toàn niên vụ 2021-2022. Thị trường vẫn chịu ảnh hưởng bởi nút thắt trong chuỗi cung ứng cà phê chưa được giải quyết trong khi kinh tế toàn cầu đối diện nhiều thách thức.
Quốc gia có sản lượng cà phê lớn nhất thế giới là Brazil tiếp tục phải đối mặt tình trạng thiếu container mặc dù tình hình đã cải thiện trong những tuần gần đây. Mặt khác, nước này cũng có một vụ mùa sản lượng thấp hơn theo chu kỳ hai năm một lần của cây cà phê Arabica.
Chung xu hướng, sản lượng cà phê của Indonesia cũng sụt giảm mạnh. Lũy kế xuất khẩu cà phê Robusta của Indonesia trong 8 tháng đầu của niên vụ cà phê 2021-2022 đạt tổng cộng 1,9 triệu bao, giảm 25% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê của Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, đồng thời cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến nhu tiêu dùng tại các thị trường này giảm sút. Mặt khác, người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu do lạm phát tăng cao, tình hình kinh tế khó khăn.
Trong nước, nông dân trồng cà phê đang chịu áp lực trước chi phí phân bón và xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Một số hộ phải cắt giảm chi phí đầu vào, hạn chế bán ra để chờ giá tăng. Vì vậy, việc mua bán cà phê tại các đại lý vì thế cũng khá hạn chế.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) đưa ra cảnh báo, cho rằng giá cả vật tư phân bón tăng cao sẽ khiến nông dân cắt giảm đầu tư chăm bón. Điều này có thể khiến sản lượng robusta sụt giảm 10% trong vụ sắp tới.