Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu 3 tháng đầu năm nay đạt 1,48 triệu tấn, tương đương 715 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất 3,5 tháng qua, do nhu cầu ổn định và chi phí vận chuyển tăng cao.
Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 415 - 420 USD/tấn, tăng 20 USD so với đầu tháng. Trung bình tháng 3 đạt 414 USD/tấn, tăng 16 USD/tấn so với tháng 2.
Về chủng loại, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 sẽ tiếp tục đà chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn như mục tiêu chung đã đề ra trong những năm gần đây.
Gạo thơm các loại (chủ yếu là Đài Thơm và một số giống OM) dự kiến vẫn duy trì tỷ trọng lớn với kỳ vọng từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc, Philippines.
Tỷ lệ gạo trắng chất lượng cao 5% tấm dự báo sẽ ổn định nhờ nhu cầu thường xuyên của Cuba. Bên cạnh đó, phân khúc gạo nếp cũng được dự báo khá sôi động nhờ nhu cầu từ Trung Quốc…
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết: Tình hình xuất khẩu từ đầu năm đến nay vẫn ổn định. Thông thường trước đây, các nước như Trung Quốc, Philippines sẽ ký các hợp đồng lớn vào giữa vụ đông xuân khi sản lượng của chúng ta cao, giá giảm. Nhưng năm nay giá không giảm như thường lệ nên các nhà nhập khẩu còn ngần ngại chưa dám ký các hợp đồng lớn. Tuy nhiên, mùa mưa bão sắp tới sẽ là áp lực lớn về an ninh lương thực với nhiều nhà nhập khẩu gạo châu Á. Khả năng cao họ sẽ phải chấp nhận mua gạo giá cao trong tháng 4 hoặc chậm lắm là tháng 5 tới. Lúc đó thị trường sẽ sôi động và giá lúa gạo sẽ tiếp tục duy trì mức cao.
Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Hùng - CEO Viện Tài chính Quốc tế IIF tại Washington DC (Mỹ), nhận định: Trong xu thế chung của giá lương thực toàn cầu, giá lúa gạo sẽ duy trì ở mức cao suốt năm 2022. Các doanh nghiệp cần nắm chắc xu hướng này khi tham gia các cuộc đàm phán, ký kết hợp đồng với các nhà nhập khẩu để tránh thua thiệt. Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, đó là một lợi thế cần được tận dụng triệt để.