Giá heo hơi tại miền Bắc
Cụ thể, tại tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên giá heo hơi ở mức 55.000 đồng/kg và 57.000 đồng/kg.
Các địa phương như Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Bình, Tuyên Quang, Hà Nam, Thái Bình, Phú Thọ, Lào Cai, Nam Định giá heo hơi được thu mua với mức 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Thái Nguyên giá heo hơi đang ở mức thấp nhất toàn miền 51.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 51.000 - 57.000 đồng/kg.
Giá heo hơi ngày 22/3/2022: Cần đẩy mạnh xuất khẩu thịt heo? Ảnh: Vissan
Giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên
Cụ thể, tại tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận giá heo hơi ở mức 54.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Định, Lâm Đồng giá heo hơi được thu mua với mức 53.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị giá heo hơi ở mức 52.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 52.000 - 54.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam
Cụ thể, tại tỉnh Vĩnh Long, Cà Mau giá heo hơi đồng loạt giảm nhẹ 1.000 - 2.000 đồng/kg xuống mức 53.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Bình Dương, Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, Tây Ninh, Long An, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh giá heo hơi ở mức 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giá heo hơi được thu mua với mức 51.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 51.000 - 53.000 đồng/kg.
Cần đẩy mạnh xuất khẩu thịt heo?
Tại Hội nghị Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến khẳng định “giá heo vẫn giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi, giá thành sản xuất tăng cao khiến nông dân còng lưng gánh lỗ tiền tỷ”.
Lãnh đạo Bộ này cũng cho rằng, cần đẩy mạnh xuất khẩu, bởi nếu chỉ quan tâm thị trường trong nước, không quan tâm tới thị trường nước ngoài, gắn chăn nuôi phát triển theo chuỗi thì đến lúc sản lượng nhiều, ngành chăn nuôi lại phải giải cứu.
“Bài học giải cứu thịt heo năm 2017 là thực tế cần phải ghi nhớ", ông Phùng Đức Tiến lưu ý.
Vậy, thực trạng xuất khẩu thịt heo thế nào? Chúng ta cần khơi thông xuất khẩu bằng cách nào?...
Thừa nhận dù đã có kinh nghiệm trong xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản, song Tập đoàn De Heus vẫn đang loay hoay với bài toán xuất khẩu thịt heo.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus, doanh nghiệp đang hướng đến xuất khẩu thịt heo tươi và sản phẩm chế biến nhưng thiếu thông tin về thị trường và tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
Do đó, đơn vị này đề nghị cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT thông tin về điều kiện để xuất khẩu.
Đồng thời, mong muốn Bộ NN&PTNT cùng các địa phương cần phải công khai kế hoạch về việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở khu vực nào, để doanh nghiệp tiến hành liên kết chuỗi chăn nuôi ngay tại địa phương.
Còn đại diện Công ty Cổ phần BaF Việt Nam cho rằng, thủ tục xuất khẩu thịt heo cần được khơi thông.
Bởi theo đơn vị này, nhu cầu xuất khẩu thịt là yêu cầu tất yếu của các doanh nghiệp, nhưng đến nay, họ vẫn chưa biết cần thủ tục gì và nước nào cần hàng.
“Chúng tôi sẵn sàng chăn nuôi toàn bộ chuỗi theo tiêu chuẩn VietGAP, nhà máy giết mổ theo tiêu chuẩn GlobalGAP”, đại diện BaF nói và kiến nghị Bộ NN&PTNT cần có các thông tư hướng dẫn để tạo nhiều điều kiện cho các công ty có thể xuất khẩu được sang các nước.
Giai đoạn 2015-2016, Trung Quốc là thị trường chủ lực nhập khẩu thịt heo của Việt Nam, nhưng từ năm 2017 đến nay, việc xuất khẩu sang Trung Quốc gần như "đóng băng", khiến đầu ra của doanh nghiệp khó khăn. Sở NN&PTNT Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi của cả nước cũng đã kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ đàm phán với Trung Quốc mở thị trường chính ngạch, nếu chỉ 1-2 tỉnh ở Trung Quốc tiêu thụ thịt heo thì cơ hội xuất khẩu của Việt Nam rất lớn.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2022, Việt Nam xuất khẩu được 1,39 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 6,92 triệu USD, giảm 23,5% về lượng và giảm 40,2% về trị giá so với tháng 12/2021. So với tháng 1/2021 giảm 10,3% về lượng, nhưng tăng 17,4% về trị giá. Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt giảm là do xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt như Trung Quốc, Hồng Kông... giảm mạnh.