Theo thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong tháng 5/2022 Việt Nam xuất khẩu được 21.929 tấn hồ tiêu các loại. Trong đó tiêu đen đạt 18.855 tấn, tiêu trắng đạt 3.074 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 98,7 triệu USD, tiêu đen đạt 80,3 triệu USD, tiêu trắng đạt 18,4 triệu USD.
So với tháng trước, lượng xuất khẩu giảm 11,6%, kim ngạch giảm 14,3%. Mặc dù lượng xuất khẩu giảm tuy nhiên có đến 3 doanh nghiệp xuất khẩu trên 2.000 tấn trong tháng, đứng đầu là Olam Việt Nam đạt 2.694 tấn, tiếp theo là Trân Châu đạt 2.615 tấn và Phúc Sinh đạt 2.106 tấn.
Nhập khẩu của thị trường Mỹ trong tháng 5 đạt 5.781 tấn, tăng 11,2% so với tháng 4 và tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của Hồ tiêu Việt Nam. Tiếp theo là các thị trường Ả Rập: 2.085 tấn, Ấn Độ: 1.745 tấn, Đức: 1.132 tấn…
Việt Nam xuất khẩu hơn 101 nghìn tấn hồ tiêu. Vinanet.vn
Tính đến hết tháng 5/2022, Việt Nam xuất khẩu được 101.339 tấn hồ tiêu các loại. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2022 đạt 468,4 triệu USD, tiêu đen đạt 373,8 triệu USD, tiêu trắng đạt 94,6 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, lượng xuất khẩu giảm 16,9% tương đương 20.587 tấn và so với cùng kỳ năm 2020 lượng xuất khẩu giảm 31,6%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu 5 tháng tăng 22,6% tương đương 86,4 triệu USD so với cùng kỳ 2021.
Đứng đầu xuất khẩu 5 tháng tiếp tục là doanh nghiệp Trân Châu đạt 13.585 tấn, tăng 28%. Tiếp theo là doanh nghiệp Olam: 11.443 tấn, tăng 22,6%; Nedspice: 8.106 tấn, tăng 7,2%; Phúc Sinh: 6.736 tấn, tăng 3,1%; Haprosimex JSC: 6.231 tấn, tăng 34,3%… Một số doanh nghiệp có lượng xuất khẩu giảm như Liên Thành, Hoàng Gia Luân, Sinh Lộc Phát, Gia vị Sơn Hà, Intimex Group, Unispice… Khối các doanh nghiệp ngoài VPA lượng xuất khẩu giảm 54,6% và chủ yếu của các doanh nghiệp xuất đi Trung Quốc.
Nhập khẩu của châu Mỹ giảm 0,2%, tuy nhiên riêng lượng nhập khẩu của Mỹ lại tăng 1,4% đạt 24.973 tấn và chiếm 24,6% tổng lượng xuất khẩu của hồ tiêu Việt Nam. Xuất khẩu sang khu vực châu Á giảm 27,6% trong đó Trung Quốc và Pakistan là 2 thị trường giảm mạnh nhất với mức giảm lần lượt là 89% và 60,9%. Các thị trường châu Á ghi nhận mức tăng bao gồm: Ấn Độ, Ả Rập, Hàn Quốc, Philippine, Thái Lan và đặc biệt là Singapore.
Nhập khẩu hồ tiêu của châu Âu từ Việt Nam giảm 3,8% và các thị trường có lượng nhập khẩu giảm bao gồm: Nga, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Isarel, Anh… Tuy nhiên lượng nhập khẩu cũng tăng ở Đức, Hà Lan, Ireland… Tại châu Phi nhập khẩu giảm 34,3% trong đó giảm mạnh nhất ở Ai Cập với mức giảm 70,8%, trong khi đó xuất khẩu sang 2 thị trường Algeria và Maroc có sự tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm ngoái với mức tăng là 172,4% và 156,4%.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết việc giá hạt tiêu tăng trở lại hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thu mua của thị trường Trung Quốc.
Giới đầu cơ liên tục bán ra, trong khi nhu cầu của thị trường nước ngoài vào thời điểm này không cao. Hiện vẫn đang là thời điểm giao nhận hàng đã ký từ năm ngoái nên khách hàng nước ngoài chưa ký hợp đồng mới.
Điều đó dẫn đến việc các nhà xuất khẩu của Việt Nam không mua hàng tích trữ khiến giá hạt tiêu giảm.
Trong tháng 5, giá tiêu đen giảm khoảng 7 - 8%, dao động trong khoảng 70.000 - 73.000 đồng/kg.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá hạt tiêu toàn cầu sẽ tiếp tục đà giảm trong thời gian tới. Nhu cầu tiêu thụ giảm do những tác động tiêu cực từ căng thẳng địa chính trị tại Ukraine và chính sách “Zezo Covid” của Trung Quốc.
Căng thẳng địa chính trị khiến lạm phát tăng cao, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Điều này tác động tiêu cực lên hoạt động xuất, nhập khẩu mặt hàng hạt tiêu toàn cầu.
Hiện nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã mở cửa trở lại, song nhu cầu đi lại của người dân vẫn khá hạn chế. Nguồn hàng được khách hàng sử dụng chủ yếu là hàng đã ký từ 3 - 4 tháng trước.