Một hãng taxi tại Hà Nội dán khẩu hiệu phản đối quyết định 24 của Bộ GTVT - Ảnh: DANH TRỌNG |
Hình ảnh những chiếc taxi ở Hà Nội dán khẩu hiệu ở phía sau phản đối một quyết định của Bộ Giao thông - Vận tải, theo sau yêu cầu "dừng khẩn cấp" việc triển khai của Uber-Grab cho thấy cuộc đại chiến Taxi đã thêm một nấc mới.
Cùng lúc đó, ngành thuế ở TP.HCM đang quyết tâm truy thu số tiền thuế 66,68 tỉ đồng của Uber trong khi Hiệp hội Taxi ở thành phố này cũng có động thái hưởng ứng giới taxi ở Hà Nội.
Tưởng chừng như Uber và Grab là những tội đồ vừa lấy đi miếng cơm manh áo của giới tài xế taxi, vừa trốn thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Giữa hai làn đạn đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng chuyện phản đối của giới taxi truyền thống chỉ là một nhóm doanh nghiệp, còn người tiêu dùng và xã hội lại có lợi ích từ các dịch vụ mới.
"Cứ xem lượng người dùng đi lại thì rõ", ông Thọ nói.
Và người tiêu dùng, như câu nói của ông Thứ trưởng, lại lên tiếng ủng hộ những Uber và Grab.
Có thể nhìn thấy hai câu chuyện đầy mâu thuẫn ở trên, một là thuế, hai là cạnh tranh giữa taxi truyền thống và giới công nghệ. Chuyện đầu là quản lý nhà nước, chuyện sau thuộc về thị trường.
Thuế, như cách tính của TP.HCM, Uber phải nộp hơn 66 tỉ đồng. Còn theo cách tính của giới Taxi Hà Nội, với doanh thu hơn 18.000 tỉ đồng, nhưng Uber và Grab chỉ đóng góp cho ngân sách vỏn vẹn 15,8 tỉ đồng là quá ít. Vì thế ngành thuế nhất định "cưỡng chế" còn giới taxi thì yêu cầu hai hãng trên cần phải dừng khẩn cấp.
Thuế quả thật là một cuộc chiến trốn tìm quyết liệt từ xưa đến nay, và là nỗi đau đầu của không biết bao nhiêu quốc gia trên thế giới, từ phát triển đến đang phát triển.
Taxi của hãng Vinasun tại TP Hồ Chí Minh phản đối Grab - Uber vì "quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh" (Ảnh nguồn: OtoFun) |
Ở khía cạnh này đa phần đều đứng về phía cơ quan nhà nước, ủng hộ các công ty như Uber và Grab phải thực hiện các nghĩa vụ của mình.
Nhưng đứng trên góc độ cạnh tranh trên thị trường, đa số ý kiến lại đứng về phía Uber và Grab khi ở vai trò là người tiêu dùng, họ được thụ hưởng những lợi ích của hình thức vận tải mới này mang lại.
Trái với những taxi giá cao mà thái độ phục vụ không tốt, những Uber và Grab đã "đốn tim" các hành khách bằng giá rẻ hơn và dịch vụ tốt hơn.
Cũng có nhiều người nhắc đến chuyện thuế nhưng rồi phần "thất thu" đó lại được phân chia cho cộng đồng. Và quan trọng hơn, chính họ làm thay đổi cả một ngành truyền thống không muốn thay đổi.
Nhưng rồi, một câu hỏi vẫn phải đặt ra: Uber và Grab vẫn phải công bằng trong đóng thuế chứ?
Và không ít người gật gù: Thuế nhất định phải thu, nhưng Uber và Grab nhất định phải được tạo điều kiện để phát triển chứ không thể điều khiển thị trường bằng những mệnh lệnh cấm đoán.
Điều đó không hề dễ dàng để làm dung hòa tất cả các bên liên quan từ ngành thuế, Uber-Grab, taxi truyền thống đến người tiêu dùng, và ai cũng đều có các lý do thuyết phục của mình.
Giữa các cuộc chiến đó, câu hỏi đặt ra là liệu ngành thuế và giới taxi truyền thống có nên nâng cấp mình lên theo kịp các tiến bộ của công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để có thể không phải loay hoay với các trường hợp của Uber?
Còn giới taxi, cũng có những động thái mới trong thiết kế các app gọi xe, tương tự như cách của Uber và Grab, cùng cạnh tranh sòng phẳng để chinh phục người tiêu dùng?
Hay lựa chọn kéo những Uber và Grab xuống cho ngang với các công ty taxi truyền thống để dễ bề quản lý, vì rằng mô hình kinh doanh kiểu mới này "chưa có trong quy định của Việt Nam?