Chọn thịt
Bạn nên lựa chọn thịt nạc, ít mỡ hoặc loại bỏ mỡ thừa và loại bỏ da thừa (đối với gia cầm). Cách này có thể hạn chế tối đa mỡ rơi xuống lửa nướng, sinh ra PAHs (polycyclic aromatic hydrocarbons) chất này được khoa học chứng minh là gây tổn thương da, hệ miễn dịch và nguy cơ ung thư khi tiếp xúc nhiều và thường xuyên.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Nên sơ chế sơ qua trước khi nướng
Thịt sau khi mua về bạn rửa thật sạch với nước muối loãng, sau đó rửa lại bằng nước sạch rồi để ráo nước. Tiếp theo, bạn nên chần thịt sơ qua với nước sôi trước khi ướp để loại bỏ các tạp chất bám trong thịt và khử mùi hôi.
Ướp gia vị đủ thời gian
Ướp gia vị không chỉ giúp món nướng thơm ngon mà còn giữ độ mềm của thịt. Tùy vào từng loại thực phẩm, thời gian ướp sẽ khác nhau: Thịt heo, gà: 2 - 4 giờ Thịt bò, hải sản: 30 phút - 1 giờ Rau củ: 10 - 15 phút. Bên cạnh đó, nên cho thêm chút dầu ăn hoặc sữa tươi để thịt mềm hơn khi nướng.
Không nướng thịt trực tiếp ngay sau khi lấy từ tủ lạnh
Thịt lạnh khi gặp nhiệt độ cao sẽ bị co lại và mất nước, khiến món nướng bị khô. Vì vậy, hãy để thực phẩm ra ngoài ở nhiệt độ phòng khoảng 20 - 30 phút trước khi nướng để thịt chín đều và không bị dai.
Làm nóng vỉ nướng trước khi đặt thịt lên
Một trong những nguyên nhân khiến thịt bị dính vỉ và cháy khét là do vỉ nướng chưa đủ nóng. Hãy làm nóng vỉ trước khoảng 5 phút, sau đó phết một lớp dầu ăn lên vỉ để chống dính. Điều này giúp thịt có lớp vỏ vàng đẹp mà vẫn giữ được độ mềm bên trong.
Điều chỉnh nhiệt độ phù hợp cho từng loại thực phẩm
Không phải món nào cũng cần nhiệt độ cao. Dưới đây là mức nhiệt lý tưởng khi nướng các loại thực phẩm: Thịt bò, cừu: 200 - 220°C Thịt heo, gà: 180 - 200°C Cá, hải sản: 170 - 180°C Rau củ: 160 - 180°C. Việc kiểm soát nhiệt độ giúp món nướng chín đều từ trong ra ngoài mà không bị cháy xém bên ngoài.
Lật thịt đúng thời điểm, không lật quá nhiều lần
Nhiều người có thói quen lật thịt liên tục khi nướng, nhưng điều này lại làm mất nước và khiến món ăn bị khô. Bạn chỉ nên lật thịt 1 - 2 lần trong suốt quá trình nướng. Khi thấy thịt se mặt, hơi cháy cạnh thì mới lật để đảm bảo thịt giữ được độ mềm và không bị vỡ nát.
Dùng giấy bạc để giữ độ ẩm cho thịt
Nếu muốn món nướng không bị khô, bạn có thể bọc giấy bạc để giúp thực phẩm giữ độ ẩm. Đặc biệt, với cá nướng, sườn nướng hay các loại thịt lớn, giấy bạc còn giúp món ăn chín đều mà vẫn giữ được độ mềm, ngọt tự nhiên.
Để thịt nghỉ sau khi nướng
Sau khi nướng xong, đừng vội cắt thịt ngay mà hãy để nghỉ khoảng 5 - 10 phút. Điều này giúp nước thịt phân bổ lại, giữ độ ẩm và giúp món ăn ngon hơn. Nếu cắt thịt ngay, nước sẽ chảy ra ngoài, khiến thịt bị khô.