Ở một động thái mới đây, Bắc Kinh đã tuyên bố cấm việc nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn có xuất xứ từ Đức, khiến cả châu Âu choáng váng.
Theo đó, các công ty Đức có thể cũng sẽ mất thị phần vào những nhà cung cấp Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc buộc phải nhanh chóng tăng cường mua nông sản theo như thỏa thuận thương mại đã kí với Washington.
Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới nhưng đã ngừng nhập khẩu thịt từ Đức vào ngày 12/9 sau khi một con lợn hoang chết vì bệnh tả gần biên giới Đức - Ba Lan. Sau lệnh cấm vài ngày, 6 trường hợp lợn chết vì bệnh khác cũng đã được phát hiện tại Đức.
Một số quốc gia khác, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, đã áp dụng những lệnh cấm tương tự đối với thịt lợn từ Đức giữa mối quan ngại bệnh từ lợn có thể lây lan tới các đàn lợn nội địa.
Ngày 18/9, giá thịt lợn ở Đức giảm 13%, xuống chỉ còn 1,5USD/1kg.
Ảnh minh họa: EPA-EFE
''Mức giá 1,5USD/1kg không hề tốt một chút nào. Chúng tôi sẽ phải chịu lỗ,'' Bernhard Krusken, tổng thư ký Hiệp hội Nhà nông Đức, cho hay.
''Trung Quốc đã trở thành khách hàng rất quan trọng với người nông dân Đức nói riêng và châu Âu nói chung trong những năm gần đây''.
Trong tuần này, Berlin cho biết Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành thị trường tiêu thụ thịt lợn của Đức lớn nhất, với sức mua hơn 1 tỉ USD hàng năm. Đức đã bán 233.000 tấn thịt lợn - hơn 1/4 tổng số xuất khẩu thịt - cho Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm.
Trung Quốc buộc phải tăng lượng thịt lợn nhập khẩu sau khi đại dịch tả lợn châu Phi năm 2018 gây thiệt hại nặng nề đối với các đàn lợn của nước này. Trong 8 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu gần 6,6 triệu tấn thịt lợn, mua nhiều hơn số lượng của cả năm ngoái - theo số liệu hải quan.
Ông Krusken cho biết ông lo ngại rằng lệnh cấm sẽ khiến các doanh nghiệp Đức mất thị phần vào tay các đối thủ. Theo thỏa thuận giai đoạn 1 giữa Trung Quốc và Mỹ, Bắc Kinh đồng ý tăng lượng mua hàng hóa nông sản Mỹ.
''Các nhà sản xuất thịt lợn Mỹ sẽ có cơ hội ở thị trường mới khi thịt lợn Đức bị cấm ở nhiều nước do lo ngại đại dịch tả lợn châu Phi. Chúng tôi không thể dự đoán chắc chắn,'' Jim Monroe, phát ngôn viên tại Hội đồng Các nhà sản xuất Thịt lợn ở Mỹ.
Feng Yonghui, chuyên gia phân tích về ngành công nghiệp thịt lợn Trung Quốc, cho biết các doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu ở Đức có thể sẽ phải cắt giảm nhân sự và thậm chí phá sản.
''Hiệu ứng của lệnh cấm này sẽ lan ra khắp châu Âu. Nhưng lệnh cấm sẽ không có quá nhiều ảnh hưởng tới giá thịt lợn nuôi tại Trung Quốc,'' ông nói.
Pekka Pesonen, tổng thư kí của Copa-Cogeca, liên minh nông dân tại châu Âu, cho biết nguyên nhân chính gây ra việc này là do phát hiện lợn hoang dã nhiễm bệnh tại Đức.
''Giữa giai đoạn khó khăn mà ngành thịt lợn châu Âu gặp phải, chính quyền các nước và châu Âu nói chung cần thực hiện những chính sách nhanh chóng và hiệu quả để hỗ trợ ngành này,''ông nói.